Các doanh nghiệp Ấn Độ lựa chọn Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore, bởi đây là các thị trường mang lại nhiều tiềm năng phát triển nhất.
Tất cả các doanh nghiệp Ấn Độ tham gia khảo sát đều mong muốn tăng cường sản xuất tại ASEAN và hơn 90% trong số các doanh nghiệp này dự đoán doanh thu sẽ tăng trưởng trong vòng 12 tháng tới.
Theo Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng với thị trường nội địa lớn, dân số trẻ... (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thị trường tiêu dùng đang ngày càng mở rộng tại ASEAN (theo 90% số người khảo sát), nguồn nhân lực lao động dồi dào và tay nghề cao (51%) cùng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do (44%) là các yếu tố quan trọng nhất để các lãnh đạo các doanh nghiệp Ấn Độ tham gia khảo sát quyết định mở rộng phát triển trong khu vực này.
Bên cạnh đó, với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng có thể giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư vào ASEAN, 63% các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều có kế hoạch mở rộng đầu tư trong vòng 3 - 5 năm tới.
Về khía cạnh các thị trường mục tiêu trong ASEAN, 61% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang tập trung vào việc mở rộng hoạt động tại Indonesia bởi đây là thị trường mang đến các tiềm năng tốt nhất cho phát triển, theo sau là Việt Nam (49%), Malaysia và Singapore (46%).
Bên cạnh các cơ hội, các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng chỉ ra nhiều rủi ro và thách thức trong khu vực. Ba rủi ro ro lớn nhất là tình hình dịch COVID-19 hoặc các rủi ro khác liên quan đến sức khỏe (85%), nền kinh tế hồi phục chậm chạp và nhu cầu tiêu dùng suy giảm (73%) và bất ổn địa chính trị và xung đột thương mại (54%).
Những thách lớn nhất trong 6 - 12 tháng tới gồm: Thay đổi mô hình kinh doanh để thích nghi với các điều kiện và thực tiễn của từng lĩnh vực (hơn 60%), am hiểu quy định của các quốc gia trong khu vực cũng như các phương thức và cơ sở hạ tầng thanh toán, xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp và thích nghi với các yêu cầu về kho vận của chuỗi cung ứng.
Để thúc đẩy quá trình tăng trưởng cân bằng và ổn định trong ASEAN và giảm thiểu những rủi ro cũng như thách thức này, lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ ra những khía cạnh quan trọng cần được chú ý, gồm: thiết lập quan hệ hợp tác/liên doanh để tăng cường sự hiện diện (73%), đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ lãnh đạo (59%), thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững và ESG gồm môi trường, xã hội và quản trị (41%).
Theo bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng với thị trường nội địa lớn, dân số trẻ, lực lượng lao động có trình độ, am hiểu công nghệ và có mức chi phí cạnh tranh, cùng với đó là nhiều lợi thế vượt trội khi là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do và có vị trí địa lý hết sức thuận tiện.
"Việt Nam cũng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội kinh doanh và đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài", bà Michele Wee nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!