Doanh nghiệp chấp nhận sản xuất không lãi để trả lương nhân viên

Nguyễn Hương-Thứ sáu, ngày 07/04/2023 13:06 GMT+7

VTV.vn - Tìm kiếm đơn hàng ở thị trường ngách, chấp nhận sản xuất không có lãi để duy trì hoạt động và đủ trả lương cho người lao động là ưu tiên của các doanh nghiệp hiện nay.

Gần 72% doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cam kết không cắt giảm lao động. 21% doanh nghiệp dự kiến tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất. Thông tin vừa được Sở Lao động, Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh chia sẻ với phóng viên VTV Money cho thấy, những nỗ lực duy trì việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đánh giá của ngành chức năng, thị trường lao động đang dần cải thiện, số lao động bị mất việc, ngừng việc đã giảm đáng kể so với quý trước.

Chuyển đổi từ sản xuất giày da sang giày thời trang, giày bảo hộ, Công ty CP Tập đoàn Gia Định đã có thêm 2 đơn hàng để sản xuất từ đầu tháng này. Công suất nhà máy lên 70%, thay vì 40 - 50% như tháng trước.

Gần 3.000 người lao động có việc làm ổn định đến hết quý II. Thời gian trống, doanh nghiệp bố trí công nhân dọn dẹp nhà xưởng, bảo trì máy móc; đào tạo tay nghề.

"Đào tạo tay nghề để dự đoán thị trường cuối năm 2023. Nếu không chuẩn bị trước thì khi đó sẽ thiếu hụt lao động, không đáp ứng được kế hoạch sản xuất kinh doanh. Chúng tôi chấp nhận những phần sản xuất như bây giờ không có lời, để phục vụ cho người lao động", ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định, cho biết.

Doanh nghiệp chấp nhận sản xuất không lãi để trả lương nhân viên - Ảnh 1.

Gần 72% doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cam kết không cắt giảm lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)

Tìm kiếm đơn hàng ở thị trường ngách, chấp nhận sản xuất không có lãi để duy trì hoạt động và đủ trả lương cho người lao động là ưu tiên của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Doanh nghiệp cũng đàm phán với người lao động giảm giờ làm, bố trí nghỉ phép năm để chia việc đều cho mọi người.

"Giảm giờ làm thì ảnh hưởng chung, còn nếu doanh nghiệp không có việc thì buộc trả lương chờ việc. Người lao động nghỉ thì sau này phải mất 6 tháng đến 1 năm đào tạo mới đạt năng suất", ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh, cho biết.

"Không thể vì một giai đoạn không có việc mà cho công nhân nghỉ được. Nguồn lực của doanh nghiệp cơ khí điện là nhân lực chất lượng cao nên phải nuôi dưỡng. Khi không có đơn hàng đủ để sản xuất thì một số sẽ được đưa vào đào tạo tay nghề", ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Theo thống kê của ngành lao động TP Hồ Chí Minh, khoảng 7% doanh nghiệp cho biết có thể sẽ phải cắt giảm lao động nếu tình hình kinh doanh không cải thiện. Điểm sáng là nhu cầu nguồn nhân lực ở quý II vẫn cần đến hơn 70.000 chỗ làm việc, trong đó 21% nhu cầu tuyển dụng ở khối công nghiệp trọng điểm; 58% nhu cầu ở khu vực dịch vụ.

"Cùng chia sẻ với các doanh nghiệp và người lao động, chúng tôi kết nối cung cầu để những doanh nghiệp có đơn hàng mới thì ngay lập tức tiếp nhận lao động, giúp giảm thiểu tình trạng mất việc. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bớt áp lực trong hoạt động bằng việc đưa ra các chính sách hỗ trợ", ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thông tin.

Thành phố cũng đang nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp về việc tiếp cận vốn chính sách để trả lương cho người lao động. Gần 50 phiên giao dịch việc làm cũng được tổ chức liên tục trong quý 2 để kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu.

Gần 149.000 lao động mất việc vì doanh nghiệp giảm đơn hàng Gần 149.000 lao động mất việc vì doanh nghiệp giảm đơn hàng

VTV.vn - Số lao động mất việc chủ yếu tập trung tại các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước