Chiều 8/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn “Doanh nhân cùng nông dân hội nhập”.
Đây là dịp để các doanh nghiệp cùng đưa ra những ý kiến, biện pháp để phát triển nền nông nghiệp của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Việt Nam là nước đi lên từ nông nghiệp, nhưng nền kinh tế lại có nguy cơ nhập siêu trên chính sân nhà. 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đạt giá trị trên 14 tỷ USD thì cũng nhập khẩu các mặt hàng nông sản lên tới hơn 11 tỷ USD. Chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam lại đứng trước những thách thức cạnh tranh gay gắt như bây giờ, nhất là sau khi 8 hiệp định thương mại tự do như TPP, AFTA… mà Việt Nam tham gia chính thức có hiệu lực trong thời gian tới.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Những mặt hàng có thuế suất bằng 0 Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh, nhất là với những sản phẩm của hộ gia đình sản xuất, vì thế chúng ta phải tìm ra những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, gỗ…”.
Hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng mang tới cả thời cơ và thách thức cho nền nông nghiệp Việt Nam. Chính vì thế, những ý kiến thảo luận tại diễn đàn đã nhận định, đây là thời điểm mà ngành này buộc phải tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó là việc đẩy mạnh mối liên kết “bốn nhà” gồm Nhà nước, Doanh nghiệp, Nhà nông, Nhà khoa học, trong đó doanh nhân đóng vai trò trung tâm của chuỗi liên kết.
Đã có nhà khoa học cho rằng, Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới, tức nền nông nghiệp Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực thực phẩm chất lượng cao cho các thị trường quốc tế. Và để nhận định đó trở thành hiện thực thì doanh nghiệp phải liên kết với nông dân để phát triển những vùng sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, đủ sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!