Kể từ khi áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp đã cố gắng thực hiện nhưng vẫn xuất hiện ca bệnh trong nhà máy. Đại diện các hiệp hội, chuyên gia cho rằng cần có sự triển khai đồng bộ và đồng hành từ chính quyền địa phương trong công tác hướng dẫn và xử lý các tình huống phát sinh.
Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn chiếm khoảng 40%. Để đạt được mục tiêu thành phố đưa ra, việc duy trì số lượng lao động xanh là cần thiết.
Tuy nhiên theo quy định hiện nay, người lao động xanh được thực hiện cách ly như trường hợp F1, tức là có phòng riêng và hạn chế tiếp xúc với người khác. Điều này lại khó thực hiện tại nơi lưu trú của công nhân.
"Công nhân rất khó có điều kiện để thực hiện cách ly. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nếu tiếp tục mở rộng thêm chút nữa, đặt ra vấn đề giao trách nhiệm cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với công nhân xanh về vấn đề ý thức, nhận thức, trách nhiệm của mình", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) Chu Tiến Dũng cho biết.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn chiếm khoảng 40%. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, "4 xanh" là phương án giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, nhưng đồng thời cũng có rủi ro. "Cung đường xanh" và "nơi ở xanh" không nằm ở sự quyết định của doanh nghiệp nên cần sự hướng dẫn của địa phương.
Ngoài ra, trong thời gian tới khi thành phố tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, nên doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng bổ sung lực lượng mới lại càng khó hơn.
Để thuận tiện cho công tác địa phương, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh đề xuất phương án "2 tại chỗ, 1 vùng xanh", nghĩa là công nhân sản xuất sẽ ăn uống tại nhà máy, nhưng ngủ ở nhà riêng nhà trọ, khách sạn trong vùng xanh; đồng thời, có thể tính đến phương án áp dụng công nghệ trong việc quản lý nhân sự.
"Nên chăng chúng ta có một app quản lý hành trình hoặc giải pháp công nghệ để giúp doanh nghiệp có thể quản lý được công nhân lao động của mình. Hành trình đó di chuyển từ nơi ở xanh đến doanh nghiệp sẽ là như thế nào, để doanh nghiệp cùng giám sát", Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh Trần Thiên Long cho hay.
"Chúng tôi phân ra làm 4 nhóm, thứ nhất là nhóm ở độc lập với gia đình; nhóm thứ hai là nhóm ở với bố mẹ, người thân; nhóm thứ ba nhóm ở trong chung cư; nhóm thứ tư là nhóm ở trong khu nhà trọ. Gia đình nhà nào, hộ nào đảm bảo tiêu chuẩn xanh thì chúng tôi để ở, còn nếu không thì chúng tôi sẽ ở chỗ làm hoặc tạm thời di chuyển đến chỗ khác", Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu - Đan TP Hồ Chí Minh Phạm Văn Việt chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp nên có lộ trình và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp có thể từng bước khôi phục sản xuất. Ví dụ, nếu doanh nghiệp nào có số lượng công nhân đã tiêm 2 mũi vaccine thì có thể mở cửa hoạt động bình thường, tuân thủ biện pháp 5K. Các đối tượng đã hết bệnh hoặc xét nghiệm âm tính có thể hỗ trợ họ trở lại sản xuất cùng nhóm với đã tiêm vaccine.
Doanh nghiệp xoay xở vượt khó mùa dịch VTV.vn - Trong gần 2 năm qua, dịch bênh khiến các doanh nghiệp đứng trước những khó khăn chưa từng có. Không chỉ khó về vốn, nhân sự, công nghệ, mà DN đặc biệt khó về đầu ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!