Chuyên sản xuất hàng cho các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, đại diện Công ty Viking Việt Nam cho biết, đã nhận kín đơn hàng đến tháng 2/2025. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là chi phí vận chuyển hàng vào thị trường châu Âu đang tăng 80%, thậm chí 100% so với năm ngoái. Thay vì hợp đồng vận chuyển từng chuyến như trước, hiện doanh nghiệp đã liên kết với đơn vị vận chuyển theo năm.
Bên cạnh đó, từ khi giá xăng tăng mạnh đến nay, giá vải cũng tăng khoảng 6%. Còn nếu tính từ đầu dịch COVID-19 đến nay, giá vải đã tăng mạnh đến 40%. Trong khi đó, dù đơn hàng tăng nhưng giá trị đơn hàng thấp khiến doanh nghiệp e dè. Do vậy, những doanh nghiệp có chuỗi khép kín, chủ động được nguồn nguyên liệu có ưu thế hơn trong việc thuyết phục đối tác chốt các đơn hàng có giá trị lớn.
Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ 3 thế giới trong xuất khẩu dệt may. Tuy nhiên, chi phí gia tăng, tỷ giá neo cao là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Sử dụng sản phẩm trong nước để lấy được các lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chính điều đó nó làm tăng tỷ trọng hàng năm, tăng tỷ trọng hàng phục vụ trong nước và giảm dần từ nhập khẩu bên ngoài vào".
Dự báo những tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá thấp, các loại chi phí tăng... Đại diện ngành dệt may Việt Nam cũng cho rằng cần có cơ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, hỗ trợ tài chính, lãi suất, tỷ giá... để giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!