Với những nỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài, nguồn vốn FDI vào TP Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước, với gần 49 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội nghị Hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thích ứng trong điều kiện kinh doanh mới do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 17/12.
Đối mặt nhiều khó khăn
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho biết, năm 2021, do tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động, đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trải qua nhiều biến động.
Tính tới cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh, đầu tư mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký tăng thêm là 26,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên vốn triển khai thực hiện ước tính chỉ đạt 15,5 tỷ USD giảm 4,1% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư mới và điều chỉnh có tăng nhưng mức tăng giảm; tổng số dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 3/2021, khi nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam đồng loạt giãn cách xã hội ở mức cao nhất, "sức khỏe" của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đã có tới 18% số đơn hàng của doanh nghiệp thành viên phải dịch chuyển sang các thị trường khác, 1/3 số thành viên phải tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng, hoặc tìm hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Riêng hoạt động giao thương Việt - Pháp đã giảm 12,7% so với năm 2020, nhiều nhà đầu tư không thể vào Việt Nam để triển khai các dự án đã đăng ký.
Ông Thargbodee Serng Adichaiwit, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) thông tin, Thái Lan hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 của Việt Nam với hơn 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực như sản xuất, bán lẻ với tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ USD.
Ông Thargbodee Serng Adichaiwit, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh)
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề; trong đó 70% số doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất trong thời gian các địa phương giãn cách xã hội nghiêm ngặt, 30% doanh nghiệp còn lại chỉ sản xuất cầm chừng.
Doanh nghiệp may mặc hầu như không hoạt động được do không đáp ứng được yêu cầu giãn cách, "3 tại chỗ"; trong khi đó các doanh nghiệp bán lẻ cũng bị tác động bởi việc kiểm soát hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Chia sẻ thực tế của doanh nghiệp, ông Frank Van Oojien, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Cleandye Vietnam cho biết, việc phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài đã gây ra thiệt hại nặng nề, trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn thu của doanh nghiệp.
Việc áp dụng chính sách "3 tại chỗ" do Chính phủ ban hành tiêu tốn một khoản chi phí lớn của doanh nghiệp để đảm bảo việc thực thi đáp ứng đủ các yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề ăn, ở, sinh hoạt và test COVID-19 thường xuyên cho nhân viên.
Các doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được buộc phải tạm dừng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp lớn hơn, đông người lao động phải chi trả một khoản lớn nhưng chỉ sản xuất cầm chừng và kinh doanh không mấy hiệu quả.
Kỳ vọng khôi phục
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn đối với Thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên với những hỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài, nguồn vốn FDI vào TP Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước (chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư trên cả nước ) với gần 49 tỷ USD.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là một trong những yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng đối với TP Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% vào GDP và hơn 26% vào ngân sách quốc gia.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh)
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, nhận định, mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch COVID-19, nhưng nhờ sự kiểm soát và vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới đã được đưa ra.
Đây là tín hiệu tốt, tạo cơ sở cho sự phục hồi của các doanh nghiệp. Kéo theo đó, dự kiến vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm và trong năm 2022.
Ông Thargbodee Serng Adichaiwit thông tin, từ tháng 10/2021, khi TP Hồ Chí Minh từng bước mở cửa và Chính phủ Việt Nam chuyển chiến lược phòng chống dịch COVID-19 sang hướng thích ứng linh hoạt, các doanh nghiệp Thái Lan đã nhanh chóng dồn lực để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại.
Nếu giữ vững chính sách ứng phó một cách linh hoạt, sống chung an toàn và kiểm soát hiệu quả COVID-19, kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi và thu hút thêm nguồn vốn từ FDI.
"Theo ghi nhận từ ThaiCham, nhiều doanh nghiệp Thái Lan mong muốn tiếp tục đầu tư và đầu tư mới vào Việt Nam khi dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả với số vốn có thể lên tới vài tỷ USD. Lý do để các nhà đầu tư Thái Lan tin tưởng, lựa chọn Việt Nam làm điểm đến chính là dư địa thị trường tiêu dùng lớn, có khả năng thu hút đầu tư đa dạng và hơn hết là sự cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ cũng như các địa phương", ông Serng Adichaiwit nhấn mạnh thêm.
Cũng đánh giá cao khả năng thích ứng của Việt Nam, bà Catherine Tran, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leonglee cho biết, trong giai đoạn căng thẳng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như chi phí logistics tăng mạnh, thủ tục hải quan mất nhiều thời gian để hoàn thành, hạn chế đi lại ở một số tỉnh thành.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp đã nhanh chóng trở lại với giai đoạn "bình thường mới". Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi bằng cách duy trì kế hoạch phòng ngừa và dự phòng cho COVID-19; tối ưu hóa khả năng làm việc và quy trình hoạt động của công ty; đảm bảo 100% nhân viên trở lại làm việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng dịch.
Theo bà Catherine Tran, bên cạnh những khó khăn, đại dịch cũng thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện năng lực lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và luôn trong trạng thái "sẵn sàng thay đổi". Doanh nghiệp nào có khả năng ứng phó nhanh nhạy với điều kiện kinh doanh liên tục biến động sẽ tìm được cơ hội để bứt phá, vươn lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!