Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón nhận tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 15,3 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới trong 5 tháng tăng tới 18,6%.
Những con số lạc quan này có thể coi là kết quả của quá trình Việt Nam nỗ lực duy trì sản xuất, mặc dù nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh; đồng thời cũng là những kết quả từ môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách minh bạch, tạo dựng niềm tin cho các doanh nghiệp.
Công ty Hàn Quốc - LS Electric Việt Nam, đã hoạt động tại Việt Nam 24 năm. Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nơi có lao động trình độ cao, môi trường kinh doanh thuận lợi và triển vọng phát triển lâu dài.
"Các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam ngày càng minh bạch rõ ràng. Các dự án hạ tầng, bất động sản dần hoàn thiện. Theo tôi, trong 2 - 3 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có sức cạnh tranh lớn trong khu vực Đông Nam Á", Tổng Giám đốc Công ty TNHH LS Electric Việt Nam Kwak Soo Hyuk nhận định.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón nhận tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 15,3 tỷ USD. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được duy trì và củng cố. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào 18 ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư là 5,26 tỷ USD, chiếm gần 37,6%. Nhật Bản đứng thứ 2 và Hàn Quốc đứng thứ 3.
"Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn coi Việt Nam là một thị trường hấp dẫn và có nhiều kỳ vọng vào quy mô thị trường, tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. Trong năm 2021, số dự án và giá trị vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Nhật Bản giảm một chút do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng luôn duy trì xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây. Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp Nhật sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng tại Việt Nam trong tương lai", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Inoue Soichi nhận định.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh, vốn FDI đăng ký mới tăng gần 19% và vốn thực hiện tăng gần 7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu hút nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, nhờ những chính sách giúp nhà đầu tư duy trì sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp.
"Các bộ ngành, địa phương rất linh hoạt để có các biện pháp phòng chống COVID-19 nhưng lại hỗ trợ nhà đầu tư. Khoanh lại một vùng nào đó chứ không phải tất cả, hỗ trợ họ chuyển máy móc, thiết bị sang địa phương khác, khu công nghiệp khác ngoài vùng dịch để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của mình", Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho hay.
Theo các chuyên gia, triển vọng thu hút vốn FDI ở Việt Nam năm 2021 là rất khả quan trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Họ sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, cả những lĩnh vực mới như: y tế, sản xuất phân phối điện hay thành phố thông minh.
Cũng theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra ngày 24/6, riêng vốn FDI thực hiện trong 6 tháng đầu năm ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó riêng kinh doanh bất động sản, vốn rót tăng tới hơn 35% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng 300 triệu USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!