Động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sẽ tiếp tục dựa vào nguồn lực của hệ thống ngân hàng để đồng hành cùng doanh nghiệp hàng không nhưng chưa có tín hiệu đưa ra các gói vay ưu đãi.
Trong khi đó, mặc dù đường bay nội địa đã được mở lại và Bộ Giao thông Vận tải đang lên kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế nhưng khó thu hút số lượng lớn khách bay, bởi các quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các địa phương. Những khó khăn này cho thấy, doanh nghiệp hàng không chưa hết lo lắng về áp lực nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo văn bản đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí... theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN mới được ban hành.
Việc đóng cửa bầu trời trong thời gian qua khiến ngành hàng không Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, trên 500 tỷ đồng/ngày. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, việc giảm áp lực nợ cho doanh nghiệp hàng không, nhất là doanh nghiệp hàng không tư nhân thông qua hình thức này khó có tác dụng thực sự.
PGS. TS. Ngô Trí Long phân tích, bản thân ngân hàng thương mại là doanh nghiệp có chức năng đi vay và cho vay nên phải có tiêu chuẩn, nếu cho doanh nghiệp không đủ điều kiện vay đến lúc không phục hồi lại được thì không chỉ doanh nghiệp chết mà ngân hàng cũng điêu đứng vì nợ xấu. Vậy nên, Nhà nước nên cân nhắc việc hỗ trợ, có thể theo hình thức tái cấp vốn hoặc cấp bù lãi suất.
"Với cấp bù lãi suất, Nhà nước coi như ứng trước số tiền này giúp bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, sau khi phục hồi, doanh nghiệp sẽ nộp lại vào nguồn thu ngân sách. Thế là vừa mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội", PGS. TS. Ngô Trí Long nói.
Về phía các doanh nghiệp hàng không cũng đề xuất gói vay hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù 4%) trong thời gian 3 - 4 năm và được áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay với lãi suất 0%/năm như đã áp dụng với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm.
Đai diện hãng hàng không VietJet chia sẻ, hãng hàng không nào hiện cũng "đói" vốn ưu đãi. Như VietJet đang phải gánh các khoản nợ phải trả trong thời gian phải dừng và giảm số chuyến bay do giãn cách xã hội; trong đó, có những khoản phải trả do thanh toán các trái phiếu dài hạn với lãi suất cao.
Bên cạnh đó, mỗi tháng VietJet phải trang trải tiền lương và tiền thuê máy bay, trả lãi vay ngân hàng, thanh toán cho các dịch vụ đầu vào cố định, duy tu, bảo dưỡng máy bay… Tổng các khoản nợ quá hạn và vay ngắn hạn của VietJet lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.
Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho thấy, lỗ hàng không ngày càng lớn, hiện nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỷ đồng. Từ khi bùng phát dịch đến nay, doanh thu các hãng hàng không liên tục giảm, hiện chỉ còn chưa đến 10 - 20% so với trước dịch.
Trên cơ sở này, để đảm bảo an toàn khoản vay cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng, quy định bắt buộc các ngân hàng phải xem xét phương án kinh doanh và khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết: "Cơ chế hỗ trợ dưới hình thức tái cấp vốn hay vay vốn phải đảm bảo phù hợp với thực tế là hãng hàng không có tài sản đảm bảo, đều kinh doanh ở mức độ thua lỗ lớn. Các hãng hàng không đều đã xây dựng phương án phục hồi ở nhiều kịch bản nhưng tính chắc chắn không cao".
Thực tế, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airwayas chia sẻ: "Các ngân hàng khá lúng túng trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp hoặc các hãng hàng không được tái cơ cấu khoản nợ kéo dài thời gian từ sau tháng 6/2020 đến nay. Bên cạnh đó, ngân hàng tỏ ra e ngại đối với việc cung cấp các khoản vay mới".
Để giảm bớt gánh nặng chi phí, các doanh nghiệp hàng không mong muốn điều kiện hỗ trợ sẽ đơn giản hơn, không quá chặt chẽ về phương án kinh doanh khả thi. Bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến ngành hàng không khó xác định được thời điểm phục hồi. Cùng với đó, các hãng đang phải dừng khai thác các tuyến bay quốc tế - vốn chiếm tỷ trọng lớn về tải cung ứng khai thác và doanh thu trong tổng mạng bay.
Mặc dù, Cục Hàng không Việt Nam đang lên kế hoạch mở lại đường bay quốc tế với 4 giai đoạn, nếu được phê duyệt, kế hoạch sẽ triển khai ngay trong quý IV/2021, tuy nhiên TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng, theo kế hoạch này, với quy định cách ly tập trung, tự chi trả mọi chi phí cách ly, đối tượng khách bay chính của ngành hàng không là khách du lịch, doanh nhân, kinh doanh sẽ không bay, như vậy sẽ gây khó khăn, thiệt hại cho cả các hãng hàng không và người dân có nhu cầu bay.
TS. Bùi Doãn Nề thông tin thêm, từ ngày 10/10 khi mở bay chở khách nội địa ở các tuyến bay nội địa đến nay, tỷ lệ sử dụng ghế chỉ đạt từ 30 - 50%. Nhiều chuyến không có khách, càng bay càng lỗ. Nguyên nhân chủ yếu là do khách bay e ngại bị cách ly và quy định khác nhau tại mỗi địa phương.
Về phía các doanh nghiệp hàng không đang thực hiện các biện pháp tự thân để cắt giảm, tiết kiệm chi phí; tái cấu trúc các nguồn lực để nâng cao tính linh hoạt nhằm thích ứng tốt hơn với tình hình dịch bệnh. Báo cáo tài chính soát xét gần nhất của VietJet ghi nhận lãi thuần nửa đầu năm đến từ đột biến doanh thu hoạt động kinh doanh, tài chính, còn doanh thu do hoạt động bán hàng và dịch vụ sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Hay các doanh nghiệp đang đẩy mạnh dịch vụ vận chuyển hàng hóa để bù đắp sự giảm sút doanh thu vận chuyển hành khách. Như Vietnam Airlines, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hãng đã tiến hành hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350/A321 để chở hàng trên khoang hành khách, giúp tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng.
Với vai trò động lực của nền kinh tế, ngành hàng không mỗi năm tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%. Thống kê của VABA, năm 2019, trước đại dịch, ngành hàng không đã vận chuyển 116 triệu khách trong nước và quốc tế, đạt doanh thu trên 200.000 tỷ đồng, nộp thuế phí trực tiếp và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng. Việc đóng cửa bầu trời trong thời gian qua khiến ngành hàng không Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, trên 500 tỷ đồng/ngày, ngành du lịch thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng/ngày; trong đó, 70% khách du lịch do hàng không vận chuyển.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch 29/10, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam có giá 24.800 đồng/đơn vị, giảm khoảng 12% so với đầu năm; cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không VietJet có giá 132.000 đồng/đơn vị, tăng hơn 6% so với đầu năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!