Vị lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới bước vào kinh doanh nhưng ngân hàng lại đòi hòi phải kinh doanh được vài năm và đạt quy mô nhất định. Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng còn dựa trên "khẩu vị" rủi ro của từng giám đốc chi nhánh, thay vì dựa vào một bộ quy tắc chung.
Vì thế, gần đây xuất hiện xu hướng mở rộng vay tín chấp cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ghi nhận trên tờ Tuổi trẻ. Ví dụ, có ngân hàng công bố không cần tài sản thế chấp hoặc thiếu một phần, nhưng vẫn có thể vay tới 3 tỷ đồng hoặc 10% doanh thu; chấp nhận cho vay cả với doanh nghiệp hoạt động dưới 1 năm, với điều kiện đi lên từ hộ kinh doanh… Có ngân hàng lại cho phép doanh nghiệp thế chấp bằng tài sản của người thân thay vì chỉ thế chấp bằng tài sản chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bù lại, mức lãi suất lại khá cao, lên tới 13-15%/năm và hầu hết là cho vay kỳ hạn ngắn. Theo tìm hiểu của báo Tuổi trẻ, các ngân hàng lý giải mục đích mở rộng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay tín chấp, thay vì chỉ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn như trước đây, là để phân tán rủi ro. Bởi với hạn mức nhỏ, ngân hàng có thể cho vay hàng trăm, thậm chí hàng nghìn doanh nghiệp, thay vì chỉ số ít khoản vay với giá trị lớn.
Cũng đề cập tới lo ngại về rủi ro, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định, việc ngân hàng đẩy mạnh tín chấp là biện pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp từ hộ kinh doanh. Bởi nếu chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, họ sẽ được tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhờ chính sách cho vay tín chấp, hoặc thế chấp bằng dòng tiền. Đây cũng là định hướng của Ngân hàng Nhà nước suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, tờ Giao thông đề cập tới một góc nhìn mang tính cảnh báo. Đó là tín dụng tăng cao đột biến, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế GDP nửa đầu năm còn khá dè dặt. Liệu có an toàn không? Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trước đó đã đưa ra cảnh báo, chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP, một chỉ báo về sự ổn định của ngành ngân hàng, đã có xu hướng tăng liên tục trong gần 2 năm qua. Điển hình, quý I/2017 đã đạt mức cao nhất trong 5 năm.
Báo Giao thông trích dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ, tỷ trọng tín dụng vẫn phân tán vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay chứng khoán, thay vì tập trung vào kinh doanh sản xuất. Ví dụ, quy mô giao dịch bình quân 1 phiên chứng khoán nửa đầu năm nay đã tăng 32% so với năm ngoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!