Không chỉ trong nông nghiệp, mà trong tất cả các lĩnh vực, nguồn vốn tín dụng được ví von như là dòng máu để nuôi sống doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã có cuộc làm việc với ban thường vụ TP Hồ Chí Minh để tìm giải pháp phục hồi đà tăng trưởng, trong bối cảnh GRDP quý I của TP chỉ tăng 0,7%, thấp hơn rất nhiều so với dự báo. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu từng bộ, ngành quyết liệt giải quyết từng khó khăn, tháo gỡ từng vướng mắc để TP Hồ Chí Minh vực dậy kinh tế.
Theo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ngoài các giải pháp khơi thông, mở rộng các thị trường tiêu thụ, giải pháp về vốn là cực kỳ quan trọng.
Hai năm trước, nhờ tiếp cận được gói tín dụng kích cầu của TP Hồ Chí Minh, được hỗ trợ 100% lãi suất, doanh nghiệp đã mạnh dạn khởi công xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, tiếp cận nguồn vốn kích cầu sẽ giúp các doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư hiệu quả.
"Giai đoạn đầu tư ban đầu là cực kỳ khó khăn nếu như không có sự hỗ trợ thì các doanh nghiệp phải tính toán lại ngay từ đầu. Nếu không tham gia chương trình kích cầu thì người ta sẽ không đầu tư với quy mô như vậy. Người ta có thể chi mua lẻ vài máy móc để nâng cao năng lực trong phạm vi rất là nhỏ. Muốn phát triển phải đầu tư lớn, mà với ngành này không có bệ đỡ từ chính sách thì rất khó", ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, chia sẻ.
Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhiều loại chi phí đầu tư đã tăng đến 30% so với trước. Hiệp hội này kiến nghị bổ sung ngành logistics vào chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn TP Hồ Chí Minh đang tính triển khai để giúp ngành vượt khó.
Theo các doanh nghiệp, ngoài các giải pháp khơi thông, mở rộng các thị trường tiêu thụ, giải pháp về vốn là cực kỳ quan trọng.(Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Đầu tư trong lĩnh vực logistics được đưa vào gói kích cầu chắc chắn sẽ làm giảm chi phí rất nhiều, giảm giá thành cho các ngành sản xuất kinh doanh khác", bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, gần 30% doanh nghiệp đang gặp khó khăn nghiêm trọng về vốn để duy trì sản xuất.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, giới chuyên gia cho rằng, việc kích hoạt lại gói kích cầu vào thời điểm này sẽ hỗ trợ nhiều cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên cần đẩy nhanh thủ tục giải ngân để dòng vốn chảy vừa đúng nơi, vừa kịp lúc.
"Các sở, ngành của thành phố đang rà soát lại các quy định pháp lý cũng như các điều kiện để chương trình được khởi động lại. Chúng ta làm càng nhanh thì chương trình này chúng ta rõ ở mục tiêu, những lĩnh vực, những ngành nghề mà chúng ta cần phát triển nếu có được điều kiện thông qua sớm và đặc biệt trong điều kiện khó khăn hiện nay thì đó là điểm tựa rất cần của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và phát triển", ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận định.
"Gần 20 năm chương trình này rồi, bây giờ trong bối cảnh mới phải kích thích cơ chế mới, đề xuất những cái mới để chia sẻ, hỗ trợ. Chúng ta phải làm chương này cho hiệu quả để góp phần hỗ trợ trong bối cảnh này", ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.
Theo kế hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh, sớm nhất, đến đầu quý II,gói kích cầu này mới có thể thực hiện lại. Trong giai đoạn 2015 - 2019, hơn 11.000 tỷ đồng vốn vay của doanh nghiệp được ngân sách của TP Hồ Chí Minh hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu đầu tư. Với chính sách hỗ trợ là 50% và 100% lãi vay cho các dự án của doanh nghiệp tùy theo lĩnh vực đầu tư, tối đa 100 tỷ đồng một dự án và thời gian bù lãi vay không quá 7 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!