Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Việt cũng chưa thực sự "khỏe". Thực tế, chỉ có khoảng 1/3 số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, 1/3 còn lại loay hoay với khó khăn và đang phải nỗ lực tìm đầu ra, 1/3 còn lại, được cho là đã không còn hoạt động trên thực tế. Vậy, giải pháp nào để có thể tồn tại?
‘ Ảnh minh họa.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy khó khăn từ Quý II năm 2013 và đang trong giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, phục hồi không đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng nhanh. Ông cho biết đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam từ năm 2016 trở đi, với điều kiện, mô hình tăng trưởng phải thay đổi, theo hướng doanh nghiệp là động lực của nền kinh tế. Còn trước mắt, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với tình trạng nợ xấu và khả năng hấp thụ tín dụng không cao.
Ông Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: “NHNN đặt mục tiêu tăng tín dụng 12 - 14% nhưng đến giờ mới tăng được hơn 3%. Lý do vẫn là khả năng hấp thụ vốn của DN, khiến tổng cầu xã hội không tăng lên được”.
Tái cấu trúc nền kinh tế là việc phải làm. Ngoài tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng, cũng cần chú trọng tới việc thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực gia công hàng xuất khẩu, bằng cách đẩy mạnh vai trò sản xuất phụ trợ của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Tiến sĩ Alan Phan, dưới góc độ đầu tư, thị trường Việt Nam hiện tại đang khá hấp dẫn, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.
Ông Alan Phan - Chuyên gia kinh tế phân tích: “Trong một nền kinh tế có thể coi là khá suy trầm như hiện nay thì có điểm đáng chú ý là giá cả đã rất rẻ. Đó là lý do vì sao Việt Nam thu hút được một lượng lớn vốn FDI”.
Cũng theo chia sẻ của ông Alan Phan, hiện đang có dòng vốn khá lớn chảy vào thị trường bất động sản. Sau một thời gian dài đóng băng, đây là một địa chỉ hấp dẫn để rót vốn. Lý do là giá nhiều dự án đang dang dở đã trở nên rất rẻ so với chi phí bỏ ra.