Theo ước tính của Moody's, các công ty ngoài tài chính của Mỹ có trong tay lượng tiền mặt 1,5 ngàn tỷ USD. Họ có thể dùng để hỗ trợ những người gặp khó khăn, từ đó giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Đi tiên phong là Cisco với kế hoạch 225 triệu USD hỗ trợ người nghèo thuộc khu vực nhà máy của họ ở California. Ngoài hỗ trợ 1.000 USD cho mỗi nhân viên, Facebook chi thêm 100 triệu USD khác hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.
Theo trang Forbes, khi áp lực chống dịch tăng, các chính phủ đang quá tải, đó là lúc các doanh nghiệp lớn, nhỏ vào cuộc, hỗ trợ theo khả năng của mình. Microsoft tuyên bố vẫn trả lương đầy đủ cho nhân viên, dù giờ làm việc của họ giảm. Google trả lương nghỉ điều trị hay cách ly cho các nhân viên. Apple đóng tất cả các cửa hàng ngoài Trung Quốc, nhưng nhân viên vẫn có lương suốt thời gian này.
Đó là cách làm của các công ty đã từng ăn nên làm ra thời kinh tế thuận lợi, nhưng với các công ty khác, vẫn có nhiều cách để họ chung tay khắc phục các khó khăn thời kỳ dịch bệnh.
Marketwatch đưa tin: "Hãng dược CVS - một trong những hãng bận rộn với các đơn hàng mùa dịch, vừa tuyên bố tuyển thêm 50.000 nhân viên từ lực lượng lao động bị các đối tác cho nghỉ, như từ các khách sạn, nhà hàng. Tất cả quy trình tuyển dụng được thực hiện trên nền tảng số, nên nhiều người có thể đi làm ngay".
Hãng xe hơi Ford quyết định dừng dây chuyền sản xuất xe tại 2 nhà máy để bắt tay sản xuất máy thở và lọc oxy cho những người trên tuyến đầu chống dịch. Ford cũng sẽ hợp tác với hãng sản xuất khẩu trang 3M để tăng sản lượng sản xuất tấm che mặt lên 100.000 chiếc/tuần. Hai hãng xe khác là GM và Tesla cũng đang có kế hoạch sản xuất hoặc phân phối các thiết bị y tế tương tự.
Cách làm này vừa giúp giữ được việc làm cho các nhân viên trong giai đoạn nhu cầu xe hơi giảm, vừa giúp các bệnh viện tránh được sự khan hiếm các thiết bị y tế trong giai đoạn dịch bùng phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!