Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội thị trường cuối năm

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 31/10/2022 13:30 GMT+7

VTV.vn - Những vấn đề khó dự báo, cùng với sự biến động của thị trường bên ngoài, đòi hỏi sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp, nhất là vào dịp cuối năm.

Kết thúc 10 tháng năm nay, đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành nhờ nỗ lực mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, biến động vẫn còn hiện hữu, nhất là những vấn đề khó dự báo do phụ thuộc vào chính sách điều hành của các quốc gia lớn trên thế giới, cùng với sự biến động của thị trường bên ngoài, đòi hỏi sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp, nhất là vào dịp cuối năm.

Trước đây, doanh nghiệp chỉ có kênh bán lẻ ở các siêu thị, nhưng hiện chuẩn bị mở thêm chuỗi nhà hàng trên phố vào cuối năm nay, kỳ vọng tăng thêm 35% doanh thu. Chiến lược này giúp tăng không gian trải nghiệm sản phẩm từ rong biển với khách hàng, thậm chí là hướng dẫn cách sử dụng rong biển. Đây cũng là xu hướng kinh doanh hướng đến tiêu dùng bền vững.

Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội thị trường cuối năm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Mục tiêu của cửa hàng là tiêu thụ các sản phẩm rong biển trực tiếp, thứ hai là tiêu thụ thêm các sản phẩm từ gạo, những sản phẩm ăn kèm với rong biển cho bà con nông dân. Như vậy nó cân bằng giá trị sản phẩm hương vị Việt cùng với bổ sung các yếu tố về quản trị, thương hiệu nước ngoài", anh Nguyễn Công Nam Hiến, Giám đốc Công ty TNHH Tohogenkai Việt Nam, cho biết.

Thực tế cho thấy, với quy mô nhỏ hơn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tận dụng sự linh hoạt để vượt qua làn sóng biến động tốt hơn khi có cơ hội. Như với doanh nghiệp giải pháp số này, mạnh dạn đầu tư sản phẩm mới sẽ tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

"Chúng tôi mong muốn thay đổi thói quen của các doanh nghiệp, người dùng để họ tiếp cận với chuyển đổi số, tiêu dùng không dùng tiền mặt, làm sao hành vi người dùng có được tiện ích về thanh toán. Chúng tôi kỳ vọng thay đổi hành vi là chính chứ chưa phải lợi nhuận", ông Nguyễn Thuần Chất, Tổng Giám đốc Gpay, Tập đoàn Công nghệ G-Group, chia sẻ.

"Quý 3 năm ngoái, chúng ta thấy câu chuyện về dòng tiền chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững để chờ nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Đến thời điểm này, cái chúng ta cần hỗ trợ cho doanh nghiệp là dòng tiền nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội mới trong quá trình phục hồi của nền kinh tế như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, gắn với chuyển đổi hành vi của người tiêu dùng", ông Nguyễn Xuân Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nói.

Dù thị trường nhiều tiềm năng, đà tăng của doanh nghiệp vẫn sẽ còn lực cản khi phải đối mặt với những vấn đề như gián đoạn nguồn cung hàng hóa, biến động giá nguyên vật liệu, biến động tỷ giá và sự bất ổn định trong dòng tiền của doanh nghiệp. Khó khăn là rõ ràng nhưng đây là bước thử lửa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước vượt kế hoạch cả năm 2022 Nhiều doanh nghiệp nhà nước vượt kế hoạch cả năm 2022

VTV.vn - Hiện đã có 19 tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước hoàn thành vượt mức các mục tiêu theo kế hoạch đề ra cho cả năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước