Đây là một trong nhiều nội dung của bản Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2014 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Báo cáo thường niên năm nay chỉ ra rằng, nếu không sớm nâng cao những năng lực này trong thời buổi hội nhập, các doanh nghiệp nội sẽ không thể trở thành nền tảng chính của nền kinh tế.
Báo cáo doanh nghiệp thường niên của VCCI thường gồm hai phần, phần đầu là đánh giá tổng quát về tình trạng hoạt động trong năm của các doanh nghiệp. Năm nay VCCI nhấn mạnh vào quy mô còn nhỏ của phần lớn doanh nghiệp Việt, bao gồm nguồn lực tài chính hạn hẹp, sản xuất manh mún, dẫn tới khả năng tiếp cận vốn thấp và cơ hội được tham gia vào các chuỗi giá trị không cao. Tuy vậy trong tình thế mà doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa hoàn tất việc tái cơ cấu, nhiều hiệp định thương mại sắp có hiệu lực, thì khối tư nhân, vốn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, được trông chờ sẽ là động lực chính của nền kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Xét về mặt hình ảnh thì đó chính là đội “thuyền thúng” phải ra khơi trong bối cảnh hội nhập. Điều đó rất khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam”.
Phần thứ hai của báo cáo là một chủ đề được VCCI chọn riêng cho từng năm. Sau nhiều năm phân tích các lĩnh vực công nghệ cao hoặc kêu gọi đầu tư cho các ngành công nghiệp phụ trợ, năm nay VCCI quay lại với chủ đề nông nghiệp, vốn là ngành nghề chính của 2/3 dân số Việt Nam. Tuy ngành nông nghiệp rộng lớn như vậy, chỉ đóng góp 20% tổng thu nhập quốc nội. Hơn nữa, số doanh nghiệp hoạt động trong ngành này chỉ là 3.500, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp toàn quốc. Những doanh nghiệp đó chủ yếu là các nhà xuất khẩu sản phẩm thô, với tỉ lệ chế biến còn rất thấp.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam nhận xét: “Sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu đạt được chủ yếu do tăng cường số lượng, chứ ít có cải thiện chất lượng”.
Doanh nghiệp nội sẽ còn phải đối mặt với sức cạnh tranh cao hơn trong thời gian tới, khi mà Việt Nam phải gỡ bỏ nhiều hàng rào thuế quan để thực hiện những cam kết của các hiệp định thương mại đã ký. Tuy vậy, không còn ai khác có thể đương đầu với những khó khăn này ngoài chính bản thân doanh nghiệp.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nói: “Ai là người cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế, đấy chính là doanh nghiệp. Từng hộ nông dân không thể làm thị trường quốc tế được và Nhà nước cũng không thể bao cấp - chỉ dẫn đến người dân để làm thị trường quốc tế”.
Để giải quyết những khó khăn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2030. Bảy nhóm giải pháp đã được đề ra, trong đó tập trung chính vào công tác dự báo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng cường năng lực hội nhập của cơ quan Nhà nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.