Vì sao doanh nghiệp nội chưa thể phát triển xứng tầm?

Trung Thịnh - Quang Khải (VTV4)-Thứ năm, ngày 16/10/2014 10:48 GMT+7

Ảnh minh họa. Nguồn: CafeF

Tại Việt Nam, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang là nhân tố chính thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời là thách thức lớn đối với DN trong nước.

Nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu 9 tháng vừa qua có thể thấy, tỉ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI chiếm đến 67%, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 33%. Việc bị thua ngay trên sân nhà của các doanh nghiệp nội trước các doanh nghiệp FDI đã bộc lộ những hạn chế nhất định của doanh nghiệp trong nước.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia Kinh tế phân tích: “Doanh nghiệp ngoài nhà nước Việt Nam mới có quá trình hình thành và phát triển không lâu, trong khi các doanh nghiệp FDI có lịch sử phát triển hàng trăm năm, nhất là nước có nền công nghiệp phát triển. Bên cạnh đó họ có môi trường thể chế toàn diện, cộng với kinh nghiệm thị trường và năng lực tài chính thực sự và những chiến lược kinh doanh dài hạn, do đó họ có ưu thế hơn hẳn về công nghệ, tài chính, năng lực tổ chức, cũng như các yếu tố có liên quan đến chất lượng và các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại”.

Có thể thấy, doanh nghiệp nội đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, để có thể tạo nền tảng vững chắc trong nước và hướng ra xuất khẩu, các doanh nghiệp nội ngoài việc nỗ lực chủ động, họ còn rất cần đến sự giúp đỡ về cơ chế và chính sách của Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng: “Doanh nghiệp phải tự kiểm điểm, đánh giá lại mình, trong thời gian qua có vấn đề gì cần phát triển mạnh theo ưu thế và tiềm năng DN, có vấn đề gì cần sửa trong thời gian ngắn do tồn tại và yếu kém để khai thác được những điểm mới, diễn biến tình hình, chính sách mới một cách tích cực nhất, sát với hoàn cảnh của DN”.

Chia sẻ với các DN trong nước, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến: “Có một điểm đáng mừng là gần đây chúng ta đã thi hành chung một luật đầu tư, đặc biệt là chính sách ưu đãi đầu tư đã không còn phân biệt được DN trong nước và ngoài nước. Thứ hai là cần có một thể chế tài chính, vốn đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây được xem như việc gỡ nút thắt cho doanh nghiệp trong bối cảnh họ cần vượt qua khó khăn liên quan đến sự trì trệ thị trường và đầu tư mạnh hơn để tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ ba, các DN cần có sự liên kết với nhau, có vai trò của Hiệp hội để tiếp nhận sự hỗ trợ của nhà nước”.

Song song với việc ban hành những chính sách phù hợp, Nhà nước cũng cần tăng cường hơn nữa chất lượng đào tạo lao động, nhất là những doanh nghiệp có nhu cầu chất lượng cao trong thời gian tới.

Việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước không chỉ giúp nền kinh tế đất nước chủ động hơn trước những yếu tố tác động từ bên ngoài, mà còn giúp Nhà nước hạn chế tình trạng trốn thuế, chuyển giá, thiếu ý thức trong việc đầu tư dài hạn, hay đơn giản là tránh được tình trạng xáo trộn nguồn nhân lực lao động mỗi khi có dự án có vốn đăng ký lớn nhưng không được triển khai.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước