Việt Nam đã chính thức bước vào "thời chiến" với dịch bệnh là tuyên bố của Chính phủ. Đại bộ phận người dân và doanh nghiệp đều hiểu và đồng lòng với Chính phủ. Với chúng ta, nhân mạng là điều quan trọng nhất nhưng đằng sau quyết định hy sinh kinh tế để chống dịch là rất nhiều quyết định cân não mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
"Cắt giảm nhân sự" là cụm từ tràn lan trên các trang mạng cá nhân tuần qua. Sa thải là điều không ai mong muốn nhưng trong hoàn cảnh dịch chưa từng có này, từ ông chủ đến nhân viên đều phải học cụm từ "chấp nhận".
Nếu buộc phải tạm thời cho nhân viên nghỉ việc vào lúc này cũng là quyết định vô cùng khó khăn của những ông chủ hay người quản lý. Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ một câu chuyện của Nhà báo Huỳnh Nhân với tiêu đề Em trai mình, khi nhà hàng đóng cửa có đoạn viết:
"Mỗi ngày, em mình phải làm một công việc mà nó bảo là nặng nề hơn tất thảy mọi nhiệm vụ nó từng phải làm là ra quyết định nghỉ việc cho các nhân viên và báo tin đó với từng người. Trong đó có nhiều người từng là đồng đội gắn bó với nó, có những người làm ở nhà hàng cả chục năm. Để tự nguyện nghỉ thì mọi người buồn bã câm lặng. Chọn ai cho nghỉ trước cũng là một cái gì đó gây tổn thương ngấm ngầm khó nói".
Những dòng tâm sự chia sẻ nỗi lòng của một quản lý nhà hàng trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành đã nhận được sự đồng cảm của cộng đồng mạng. Tình trạng khó khăn hiện nay khiến nhiều ông chủ đang phải đối mặt không chỉ đơn giản là cầm cự mà họ còn phải thực sự mạnh mẽ và vững vàng để giúp chính mình và nhân viên của mình.
Trong một diễn đàn mới đây trên mạng xã hội, một câu hỏi được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tranh luận là "Giữ nhân sự thì cạn tiền mặt, giữ tiền mặt thì mất nhân sự - CEO chọn gì?". Đây là một quyết định cân não. Một quyết định khác được phân tích trong một cuộc thảo luận online tuần qua đó là doanh nghiệp có nên "ngủ đông" lánh dịch hay bằng mọi giá tiếp tục chiến đấu? "Ngủ đông" ở đây được hiểu là tạm ngừng hoạt động để tiết kiệm nguồn lực và sẵn sàng trở lại khi thuận lợi.
Không "ngủ đông" một cách bị động mà chủ động thích nghi, chuyển đổi mô hình kinh doanh là cách nhiều doanh nghiệp dịch vụ đã lựa chọn. Điều này giúp doanh nghiệp vẫn sống tốt qua mùa dịch, nhất là lúc khó khăn lên đỉnh điểm khi chính quyền yêu cầu đóng cửa các cửa hàng đông người.
Ở góc độ vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp với Thường trực Chính phủ và các bộ để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng với tất cả các địa phương nhằm đưa ra một kế hoạch hậu COVID-19 với nhiều hỗ trợ thiết thực cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đình trệ sản xuất, kinh doanh. Hy vọng với sự hẫu thuẫn của Chính phủ, các chủ doanh nghiệp sẽ dẫn dắt được doanh nghiệp mình sống sót qua khủng hoảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!