Doanh nghiệp Trung Âu vật lộn với gánh nặng chi phí

Thanh Hiệp-Thứ sáu, ngày 28/01/2022 16:10 GMT+7

VTV.vn - Lạm phát tăng khiến hàng nghìn DN Trung Âu phải vật lộn với nhiều loại chi phí tăng cao từ linh kiện, chi phí vận tải... và nhu cầu tăng lương cho người lao động.

Trong năm 2021, xưởng đúc Benes a Lat tại Cộng hòa Czech đã phải đối mặt với giá năng lượng tăng gấp đôi. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh, buộc xưởng đúc phải chật vật tìm cách thích ứng.

"Trong 3 hoặc 4 tháng qua, chúng tôi đã phải cố gắng đàm phán lại các hợp đồng dài hạn với khách hàng của mình, để có thể bổ sung chi phí năng lượng vào giá sản phẩm", ông Jan Lat, Giám đốc tài chính xưởng đúc Benes A Lat, Cộng hòa Czech, chia sẻ.

Các doanh nghiệp khác tại Trung Âu cũng đang phải vật lộn với khó khăn, trong bối cảnh nhiều loại chi phí khác ngoài năng lượng cũng tăng phi mã.

Doanh nghiệp Trung Âu vật lộn với gánh nặng chi phí - Ảnh 1.

Nhân viên làm việc tại một nhà máy sữa ở Cộng hòa Czech. (Ảnh: Reuters)

Tại Hungary, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng trung bình 15% trong năm nay.

Còn tại Cộng hòa Czech, một nửa số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng giá bán sản phẩm trong năm 2022 để thích ứng với khó khăn.

"Chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự leo thang của giá năng lượng và các chi phí sản xuất khác như vật liệu đóng gói, nhiên liệu, dịch vụ và lao động. Điều này buộc chúng tôi phải nâng giá sản phẩm khoảng 10% trong tháng 1", bà Marta Faktorova, Người phát ngôn tập đoàn sữa Madeta, Cộng hòa Czech, cho biết.

Việc các doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm sẽ khiến tình hình lạm phát tại Trung Âu trở nên trầm trọng hơn. Capital Economics dự báo lạm phát tại Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan có khả năng vẫn ở mức cao hoặc giảm chậm hơn dự kiến.

"Nhiều khả năng khoảng một nửa tỷ lệ lạm phát cao hiện nay là do sự gia tăng chi phí của các doanh nghiệp. Điều này có thể khiến lạm phát tăng cao hơn nữa trong năm nay. Chúng tôi dự đoán, lạm phát sẽ đạt gần 10% trong giai đoạn đầu năm, trước khi giảm tốc dần trong nửa cuối năm", ông Michal Brozka, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Komercni Banka, nhận định.

Hồi tháng 10/2021, ngân hàng quốc gia Ba Lan đã phải nâng lãi suất để ứng phó với tỷ lệ lạm phát ở mức cao. Những động thái tương tự dự kiến sẽ xảy ra trong thời gian tới tại Hungary và Cộng hòa Czech, trong bối cảnh lạm phát ở các nước này đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm.

Chi phí lương thực trên thế giới tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm qua Chi phí lương thực trên thế giới tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm qua

VTV.vn - Theo cơ quan phân tích và thông tin INFOLine, giá lương thực toàn cầu tiếp tục tăng đáng kể trong năm nay với chỉ số giá tăng tới 27%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước