Doanh nghiệp châu Âu kiên trì đợi chuỗi cung ứng châu Á phục hồi

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 16/08/2021 13:45 GMT+7

VTV.vn - Dịch bệnh bùng phát trở lại tại châu Á đang buộc nhiều nhà máy sản xuất gia công cho doanh nghiệp châu Âu phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.

Lần này, các doanh nghiệp châu Âu không còn bàn tới giải pháp phân tán sản xuất để tránh lệ thuộc, mà kiên trì trông đợi khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng từ châu Á.

Giày, áo thể thao đang bán rất chạy ở châu Âu kể từ khi các nước dần dỡ bỏ hạn chế đi lại. Tờ Le Figaro ra tại Pháp cho biết, quý 2 vừa qua đã đặc biệt tốt đối với hãng Adidas của Đức khi lợi nhuận đạt 387 triệu Euro, doanh số tăng 55%. Thế nhưng, bất ngờ tuần đầu tháng 8, cổ phiếu Adidas đã sụt giảm 5% giá trị.

Tờ báo Pháp giải thích rằng: "Đại dịch COVID-19 bùng phát ở châu Á đã buộc các nhà máy gia công cho Adidas tại Việt Nam phải đóng cửa. Trong khi trong năm 2020, 1/3 tổng sản phẩm của hãng giày Đức là được sản xuất tại Việt Nam".

Nhiều doanh nghiệp châu Âu đang theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước Đông Nam Á. Tờ Svenska Dagbladet của Thụy Điển lấy ví dụ: "Doanh số bán hàng của tập đoàn sản xuất xe đạp Cycleurope Thụy Điển tăng 30%. Vấn đề là tập đoàn này mua derailleur xe đạp của hãng Shimano Nhật Bản, trong khi hãng xe của Nhật Bản lại đặt nhà máy ở Malaysia, nhà máy đó cũng đang bị đóng cửa kể từ khi bùng phát đợt dịch mới.

Doanh nghiệp châu Âu kiên trì đợi chuỗi cung ứng châu Á phục hồi - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu kiên trì trông đợi khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng từ châu Á. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Cũng theo bài báo, một doanh nghiệp khác của Thụy Điển là Byggmax cũng đang gặp khó vì không nhập được đồ gỗ sản xuất tại Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Á khác trong thời điểm bán hàng rất tốt.

Từ khi virus xuất hiện ở Vũ Hán buộc các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa hồi đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã nêu giải pháp phân tán sản xuất để tránh lệ thuộc. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ rất ít doanh nghiệp thực sự làm thế.

Tờ Borsen của Đan Mạch có bài viết về công ty nội thất Fordansk. Công ty này có nhà máy sản xuất ở cả Đan Mạch và Việt Nam. Chủ doanh nghiệp cũng không tính mở nhà máy ở đâu, mà chỉ đợi chuỗi cung ứng phục hồi, kể cả khi phải mất 1 năm, vì chống dịch là một trận chiến lâu dài và cam go.

Dù biết là chống dịch cam go, lâu dài, đa số doanh nghiệp châu Âu không có ý định từ bỏ mô hình thuê gia công sản xuất. Một tờ báo Đức viết: "Hầu như không có một công ty Đức nào có kế hoạch đưa các cơ sở sản xuất trở lại nước Đức. Mô hình phân công lao động toàn cầu hoạt động trên phạm vi rộng, thay đổi mô hình này rất khó hoặc là cực kỳ tốn kém".

Bài phân tích nhấn mạnh: "Quay lưng với mô hình toàn cầu hóa kinh tế là một cách tiếp cận sai lầm". Dịch bệnh lại một lần nữa hoành hành ở châu Á, nhưng đa số doanh nghiệp châu Âu giờ đây trông chờ khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, chứ không còn bàn tới dịch chuyển sản xuất như hồi năm ngoái.

Châu Á ùn ứ nông sản, châu Âu lo khan hiếm hàng Châu Á ùn ứ nông sản, châu Âu lo khan hiếm hàng

VTV.vn - Tại châu Âu, các DN nhập khẩu nông sản, cũng như các cửa hàng bán lẻ thực phẩm châu Á đều đang lo ngại tình hình dịch bệnh tại các nước châu Á làm đứt gãy nguồn cung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước