Thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục chứng kiến sự tăng vọt của giá các mặt hàng nguyên liệu sản xuất, giới chuyên gia đánh giá đây là siêu chu kỳ tăng giá mạnh nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Điều này cũng kéo theo Chỉ số giá hàng hoá tại Trung Quốc - một trong những thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất thế giới tăng mạnh.
Khi chi phí đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang phải tìm cách xoay sở hoặc phải tăng giá thành sản phẩm hoặc phải chịu lỗ vì hợp đồng đã ký từ trước đó với khách hàng.
Một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông đang đầu tìm lời giải cho bài toán nguyên liệu là nhựa - vốn là đầu vào cho mọi sản phẩm. Giá nhựa từ giữa tháng 4 đã tăng dựng đứng, tới 74% so với cùng kỳ năm 2020. Giờ doanh nghiệp không dám nhận thêm hợp đồng sản xuất.
"Tình hình hiện nay đúng là trớ trêu. Nhận thêm đơn hàng phải tính xem nhập nguyên liệu đầu vào từ đâu. Nếu giá nhựa tiếp tục tăng nhiều đơn có khi lại chẳng có lãi", ông Li Weiqun - Phó Giám đốc Công ty Công nghệ Thông minh Weili, Quảng Đông, Trung Quốc nói.
Tình hình cũng đang diễn ra tương tự với doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử tại Thâm Quyến. Thiếc là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất. Song giá nhập vào cũng tăng chóng mặt từ đầu năm.
Ông Wang Pingqian - Giám đốc Bộ phận sản xuất thông minh, Công ty Công nghệ Furuntong, Quảng Đông, Trung Quốc cho biết: "Năm 2020, giá thiếc chỉ khoảng 25 USD/kg, giờ đã tăng gần 30%, lên 32 USD/kg. Chưa kể, giá các kim loại cơ bản khác được sử dụng trong sản xuất công nghiệp như đồng, sắt và nhôm cũng đang tăng mạnh".
Thời gian tới, hoạt động sản xuất của những doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu tăng cao.
Trong báo cáo triển vọng hàng hoá giữa kỳ, Ngân hàng Thế giới ước tính, giá hàng hoá năm nay còn lập những kỷ lục mới. Trong đó, giá năng lượng sẽ tăng 1/3, giá kim loại tăng 30% và giá nông sản tăng 14% so với cùng năm 2020.
Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc cho biết, khi giá đầu vào của tất cả các nguyên liệu đã tăng tới 60% như hiện nay, người tiêu dùng cũng phải san sẻ bài toán chi phí này cùng doanh nghiệp.
Chính phủ Trung Quốc từ đầu tháng 5 cũng đã dỡ bỏ nhiều loại thuế nhập khẩu với các nguyên liệu thô và sản phẩm từ thép nhằm giảm áp lực giá đầu vào sản xuất. Song các chuyên gia kinh tế dự báo, hoạt động sản xuất của những doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Trung Quốc vẫn sẽ bị tác động mạnh trong quý II và quý III tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!