Giá xăng dầu tăng lần thứ 4 liên tiếp từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã khiến cho các doanh nghiệp logistic vừa vực dậy sau đợt dịch COVID-19 bị giáng thêm một "đòn" đau. Nhiều doanh nghiệp cho biết kinh doanh với mức giá xăng dầu này chỉ cầm hòa hoặc thua lỗ. Trong khi một số khác lo không có cơ hội cạnh tranh khi mọi thứ chỉ mới vừa bắt đầu lại.
Hoạt động cầm chừng hoặc xác định… thua lỗ
Với chi phí xăng dầu mỗi tháng lên đến 4 đến 5 tỉ đồng, ông Nguyễn Chí Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Transimex (Quận 1, TP.HCM) nhận định rằng mức tăng giá xăng dầu mạnh trong thời gian qua đã khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất nhiều, khiến doanh nghiệp chịu tác động mạnh.
Ông phân tích chung, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn khoảng 30 đến 35% trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp logistics. Xăng dầu tăng giá liên tục gây một tâm lý cả doanh nghiệp logistics và khách hàng của họ. "Không phải doanh nghiệp nào cũng đồng ý tăng giá, phải mất 5-7 ngày để điều chỉnh giá nên doanh nghiệp logistics phải chịu lỗ trong thời gian đó. Khách hàng chỉ đồng ý tăng khi doanh nghiệp logistics đưa ra được chất lượng phù hợp, do đó doanh nghiệp logistics phải tìm cách giảm tối đa nhiều chi phí liên quan", ông Nguyễn Chí Đức chia sẻ.
Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực vận tải logistics, chi phí xăng dầu tăng cao liên tục trong thời gian qua khiến cho họ hoạt động chỉ nghĩ đến thua lỗ. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, CEO công ty Blue Sea Transportation (Quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: "Mới đầu năm đây chúng tôi ký hợp đồng với khách hàng là giữ giá cả năm không thể thay đổi được, trừ những khách hàng vãng lai hoặc khách hàng không ký hợp đồng thì chúng tôi mới có thể tăng giá được, nhưng cũng phải báo trước cho khách hàng, không phải muốn tăng là tăng. Giá xăng tăng kéo theo các chi phí tăng, nó đội giá thành lên rất cao nên bây giờ chúng tôi đang rất khó khăn, hầu như hoạt động bây giờ từ hòa vốn đến lỗ."
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, CEO công ty Blue Sea Transportation
Trước những khó khăn từ giá xăng dầu đem lại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải logistics cho biết họ phải tìm mọi cách nhằm kéo giảm chi phí "tối đa hóa vòng quay của thiết bị vận tải, thay vì lúc trước chạy một hai chuyến một ngày thì nay phải tối đa hóa tăng vòng quay lên thì mới đáp ứng đủ chi phí. Năng động chuyển đổi số, số hóa điều hành vận hành để giảm chi phí" là giải pháp mà ông Nguyễn Chí Đức nhận định hiện nay.
Còn ông Nguyễn Thanh Tuấn nhận định: "Giải pháp bây giờ chỉ có cách tạm thời ngưng không nhận hàng vận chuyển hoặc nhận khách hàng mới, vãng lai chưa báo giá. Khách hàng cũ xin ý kiến hỗ trợ từ họ để giám phần nào chi phí thôi."
Lo không thể cạnh tranh vì giá xăng dầu
Không chỉ bị tác động về mặt chi phí, đẩy giá thành lên cao, kéo giảm doanh thu khi vừa mới hoạt động trở lại bình thường sau dịch, các doanh nghiệp ngành logistics còn đứng trước nỗi lo về lâu dài, giá nhiên liệu ở mức hiện tại như hiện nay khiến họ không có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong khu vực, hoặc thậm chí sẽ cản trở tốc độ tăng trưởng với các ngành nghề khác trong nền kinh tế.
Các doanh nghiệp ngành logistics đối mặt nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, CEO công Cty Blue Sea Transportation (Quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: "Hiện tại chúng tôi mới hoạt động lại bình thường, các công ty khách hàng đều muốn chúng tôi đưa ra những cái giá cạnh tranh tốt nhất, thậm chí khách hàng còn muốn xin công nợ kéo dài ra vì một thời gian hoạt động của họ bị ứ đọng. Nhưng giá xăng tăng trong thời điểm này khiến chúng tôi không đủ chi phí, không đủ tài chính để cho khách hàng xin công nợ, thậm chí không giảm giá cho khách hàng được thì sự cạnh tranh rất kinh khủng trong thời điểm này."
Trên quan điểm của Hiệp hội Logistics TP.HCM, ông Nguyễn Chí Đức, Ủy viên ban chấp hành hiệp hội cũng nhận định thời gian tới, giá xăng dầu như hiện nay chắc chắn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong hiệp hội so với những doanh nghiệp trong khu vực. Thời gian qua, giá cước tàu biển liên tục tăng, chi phí dịch vụ logistics cũng tăng theo. Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn đang còn, có thời điểm nhiều doanh nghiệp thiếu hụt 20-30% nhân sự do ảnh hưởng của dịch. Chi phí xăng dầu như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp bị ‘yếu thế’ khi cạnh tranh với thị trường khu vực.
"Trong đợt tăng giá trước đây, chúng tôi đã có văn bản trình xem xét hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí. Hiện nay các doanh nghiệp vận tải chúng tôi chịu ảnh hưởng đầu tiên. Nhưng cuối cùng, chúng tôi tăng giá thì khách hàng phải chấp nhận, không thì chúng tôi lỗ thì không thể hoạt động", ông Hiệp nói.
Ngoài các giải pháp "tự thân vận động" để kéo giảm chi phí hoạt động trong bối cảnh giá xăng dầu leo cao như hiện nay, các doanh nghiệp ngành logistics cũng đề xuất tăng năng lực, hiệu quả của công cụ quỹ bình ổn xăng dầu, để từng bước điều tiết giá xăng dầu trên thị trường hiện nay. Đồng thời, đề xuất chính phủ xem xét lại các loại thuế phí, vì theo nhận định của các doanh nghiệp hiện nay, các loại thuế phí đã chiếm 38-40% cơ cấu giá xăng dầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!