Đáp trả các động thái từ Nga, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đêm 24/2 đã nhóm họp hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp và nhất trí áp đặt trừng phạt đối với các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga.
Thủ tướng Anh Borris Johnson cũng cho biết Anh sẽ cắt đứt quan hệ với các ngân hàng Nga khỏi thị trường đồng bảng Anh và thanh toán bù trừ. Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn lần 2 bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao tới nước này.
Ngành tài chính Nga đang nỗ lực ứng phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Cơ cấu nền kinh tế Nga đã có nhiều thay đổi, với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản vay và đầu tư nước ngoài.
Các sĩ quan cảnh sát Nga tuần tra ở Moscow. (Ảnh: Sky News)
Kể từ năm 2014, Nga đã cắt giảm đáng kể việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch tài chính. Vàng và đồng Euro chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với đồng USD trong kho dự trữ của Nga.
Nước này cũng có một số biện pháp bảo vệ kinh tế mạnh mẽ, trong đó có việc tăng khối lượng dự trữ quốc tế lên gần 640 tỷ USD và tỷ lệ nợ trên GDP khá thấp, khoảng 18% vào năm 2021. Đồng thời, Moscow đã thực hiện những bước đi để triển khai hệ thống thành toán quốc tế riêng, phòng trường hợp bị loại khỏi SWIFT.
Giới chuyên gia nhận định, các biện pháp trừng phạt của phương Tây ở thời điểm này sẽ gây khó khăn hơn cho nền kinh tế Nga trong việc cung cấp tài chính về ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ tăng cường sự độc lập của Nga với hệ thống tài chính phương Tây, đồng thời giảm bớt dòng vốn chảy ra ngoài của Nga.
Vào năm 2014, lệnh trừng phạt của phương Tây, cùng với giá dầu giảm đã làm giảm 2% GDP của Nga và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga hiện đang ở một vị thế tốt hơn, có thể khiến cho chính sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây phản tác dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!