Doanh nghiệp vận tải xoay xở vượt khó

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 16/07/2022 11:07 GMT+7

VTV.vn - Dù giá xăng đã giảm tới hơn 3.000 đồng/lít, nhưng chưa thể giúp các doanh nghiệp vận tải gỡ khó. Nhiều DN đã ngừng hoạt động, còn lại phải tìm cách vượt qua khó khăn.

Tại điểm bán vé của một nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, rất ít khách đến mua vé. Doanh nghiệp có 3 điểm bán vé tại 3 bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Gia Lâm. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chỉ còn duy trì xe trên tuyến Mỹ Đình và Gia Lâm. Tại bến xe Yên Nghĩa, doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động.

"Giá nhiên liệu tăng cao, so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng trên 200%. Đến nay, chi phí nhiên liệu của chúng tôi đã chiếm trên 40% tổng chi phí của doanh nghiệp", ông Phí Đình Hồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân, cho biết.

Khó khăn nhất là xe chạy tuyến đường dài như tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, một chuyến đi chi phí gần 65 triệu đồng, chi phí cho xăng dầu gần 35 triệu đồng, trong khi đó khách lại rất vắng. Doanh nghiệp đã phải giảm tần suất chạy xuống còn 2 chuyến một tuần.

Doanh nghiệp vận tải xoay xở vượt khó - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động cầm chừng, tìm cách tiết kiệm tối đa mọi chi phí. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Xe nằm bãi còn khoảng 50%, mới hoạt động được khoảng 50%. Giá xăng dầu cao nên anh em cùng yêu cầu tăng lương, hỗ trợ bảo đảm cuộc sống gia đình, công ty mới hoạt động được", ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hiền Phước, chia sẻ.

"So với cùng kỳ năm trước mới chỉ đạt khoảng 65%. Trong đó, một số tuyến gần như dừng hoạt động và một số tuyến giảm về tần suất hoạt động", ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư và Công nghệ, Công ty CP bến xe Hà Nội, cho hay.

Theo nhiều doanh nghiệp, nếu tăng giá để bù các chi phí hiện nay thì giá vé sẽ rất cao, khó thu hút được khách, phần lớn là những người lao động.

"Đa phần các doanh nghiệp kinh doanh vận tải là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tự lực và cũng đa phần vay vốn ngân hàng kinh doanh. Trong hơn 2 năm vừa qua, bản thân họ cũng đã tự phải lo dòng tiền để trả gốc, lãi cho ngân hàng, trả lương để duy trì bộ máy, mặc dù xe dừng không hoạt động. Vì vậy, nguồn lực của họ đã cạn kiệt", ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đánh giá.

Tìm cách tiết kiệm tối đa mọi chi phí, hoạt động cầm chừng là giải pháp lúc này. Hiện phần lớn doanh nghiệp mới chỉ hoạt động khoảng một nửa công suất xe hiện có.

Doanh nghiệp vận tải “gồng mình” trước bão giá nhiên liệu Doanh nghiệp vận tải “gồng mình” trước bão giá nhiên liệu

VTV.vn - Trước áp lực giá nhiên liệu tăng cao, nhiều doanh nghiệp vận tải đang phải “gồng mình” để duy trì hoạt động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước