Doanh nghiệp Việt cần làm gì để vượt rào cản phòng vệ thương mại?

Thuý Hằng-Thứ sáu, ngày 16/10/2020 11:15 GMT+7

VTV.vn - Hết tháng 9, Việt Nam bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ phòng vệ thương mại, với kim ngạch xuất khẩu ảnh hưởng là 12 tỷ USD.

Trong bối cảnh COVID-19, mâu thuẫn thương mại giữa nhiều nền kinh tế vẫn phức tạp, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất tiếp tục gia tăng.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm, 32 vụ việc mới được khởi xướng, gấp đôi năm 2019. Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất, như: kim loại nhôm, thép, sợi, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng... Nguyên nhân chính được xác định là do xuất khẩu khả quan khiến các nước gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam.

"Năng lực sản xuất của ta tăng cao, khả năng xuất khẩu lớn, vì vậy các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, kim ngạch của chúng ta không phải tăng trưởng quá nóng, tuy nhiên lại bị kiện chung với các vụ kiện mà đối tượng chính của họ là các nước khác", bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để vượt rào cản phòng vệ thương mại? - Ảnh 1.

Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất, như: thép, sợi, thủy sản, gỗ dán... (Ảnh: Báo Đầu tư)

Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu số liệu và thuyết phục các cơ quan điều tra của các nước nhập khẩu, Việt Nam đã kháng kiện thành công, không bị áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp đối với 65/151 vụ.

Những mặt hàng thủy sản, sắt thép, gỗ, dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Canada. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng vẫn cần các biện pháp trong dài hạn.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để vượt rào cản phòng vệ thương mại? - Ảnh 2.

Hết tháng 9, Việt Nam bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ phòng vệ thương mại. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

"Ngay trong khi ký kết FTA, Bộ thường xuyên có các buổi tập huấn cho các doanh nghiệp hướng dẫn việc quy định phòng vệ thương mại đối với các nước, cũng như cảnh báo theo dõi thị trường để đưa ra các khuyến nghị đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và các hiệp hội liên quan khi có các biến động bất thường. Bộ Công Thương nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cũng như năng lực của doanh nghiệp trong việc ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và phối hợp với các hiệp hội để đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại thành chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp", bà Phạm Châu Giang cho biết thêm.

Theo thống kê của WTO, các biện pháp này đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu.

Hàng Việt đối mặt với 31 vụ kiện phòng vệ thương mại Hàng Việt đối mặt với 31 vụ kiện phòng vệ thương mại

VTV.vn - 9 tháng năm 2020, các quốc gia đã khởi kiện 31 vụ phòng vệ thương mại đối hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tăng gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước