Việt Nam đang đứng trước những áp lực lớn. Biến đổi khí hậu không còn là lý thuyết xa vời mà đã trở thành hiện thực với những đợt hạn hán, ngập mặn. Ảnh minh họa
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, phát triển thương hiệu bền vững không chỉ là một xu thế, mà còn là lối đi tất yếu để các doanh nghiệp duy trì vị thế cạnh tranh. Tuy nhiên, liệu doanh nghiệp Việt Nam có đang nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi thành công?
97% doanh nghiệp vẫn loay hoay với khái niệm "bền vững"
Việt Nam đang đứng trước những áp lực lớn. Biến đổi khí hậu không còn là lý thuyết xa vời mà đã trở thành hiện thực với những đợt hạn hán, ngập mặn kéo dài tại Đồng bằng sông Cửu Long,. Những dòng sông như Mekong đang dần khô cạn và người nông dân cảm nhận được sự khó khăn này rõ hơn bao giờ hết. Cùng lúc đó, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao. Nhưng liệu sự phát triển ấy có đi kèm với trách nhiệm đối với môi trường và xã hội?
Tại Diễn đàn "Thương hiệu dẫn dắt bền vững" vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về tầm quan trọng của phát triển bền vững trong chiến lược thương hiệu. Phát triển bền vững được hiểu không chỉ ở khía cạnh môi trường, mà còn bao gồm trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập Vietnam Brand Purpose cho rằng, phát triển bền vững không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới. Bà cho rằng nếu được triển khai đúng cách, bền vững sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng, thay vì chỉ là gánh nặng chi phí.
Nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, vẫn đang loay hoay tìm lối đi trong việc cân bằng giữa chi phí và trách nhiệm bền vững. Một khảo sát gần đây của Vietnam Brand Purpose cho thấy hơn 30% doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để áp dụng công nghệ sạch. Đây là một thách thức lớn khi mà những cải cách về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả và đồng bộ.
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thời gian qua, một số thương hiệu lớn của Việt Nam đã góp phần thay đổi nhận thức người tiêu dùng. Đơn cử, một doanh nghiệp chuyên sản xuất sữa ở Việt Nam đã chứng minh rằng mô hình kinh tế tuần hoàn - từ sản xuất đến tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo - không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo giá trị kinh tế bền vững. Dự án Green Farm của họ không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội và môi trường. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng đầu tư vào những dự án lớn như vậy.
Ông Alan Jope, cựu CEO của Unilever, đưa ra một góc nhìn thú vị. Theo ông, bền vững không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm thân thiện môi trường, mà còn nằm ở cách thương hiệu thay đổi hành vi tiêu dùng. Những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và sáng tạo chính là chìa khóa để tạo ra sự chuyển đổi thực sự. Một ví dụ đáng chú ý là việc Unilever giới thiệu các sản phẩm tiết kiệm nước, giảm nhựa và giảm phát thải khí carbon trong chuỗi cung ứng của mình. Tuy nhiên, ông Jope cũng cảnh báo rằng bền vững không nên chỉ là một khẩu hiệu tiếp thị. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi sự minh bạch mà còn mong muốn hành động thực tế từ phía doanh nghiệp.
"Thương hiệu có sức mạnh mềm để thay đổi hành vi tiêu dùng. Nhưng nếu các doanh nghiệp không hành động kịp thời, họ sẽ mất đi cơ hội xây dựng lòng tin từ khách hàng và cả thị trường", ông Alan Jope chia sẻ.
Đáng chú ý, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần sự chung tay của tất cả doanh nghiệp - từ tập đoàn lớn đến các công ty khởi nghiệp. Việc chậm nắm bắt xu thế bền vững có thể khiến nhiều doanh nghiệp Việt bị tụt hậu trong cuộc chơi toàn cầu hóa.
Tại Diễn đàn "Thương hiệu dẫn dắt bền vững" vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về tầm quan trọng của phát triển bền vững.
Đâu là giải pháp?
Các chuyên gia tại diễn đàn đã đưa ra nhiều giải pháp, không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà còn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu hành trình bền vững. Một yếu tố quan trọng chính là lấy người tiêu dùng làm trung tâm trong mọi chiến lược phát triển và cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Nhìn từ khía cạnh xã hội, những cá nhân có tầm ảnh hưởng như Hoa hậu H’Hen Niê và rapper Double 2T đang đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa các giá trị bền vững. H’Hen Niê đã tham gia sáng lập cộng đồng One Community, tập trung vào việc kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ về trách nhiệm với môi trường. Trong khi đó, Double 2T không chỉ lan tỏa thông điệp qua âm nhạc mà còn trực tiếp tham gia các hoạt động xã hội, từ việc trồng cây đến dọn rác. Đây là những ví dụ sống động cho thấy rằng bền vững không chỉ là công việc của các doanh nghiệp hay chính phủ, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Bà Karen Hamilton, cựu Phó Chủ tịch Bền vững Toàn cầu Unilever, cho rằng, người tiêu dùng ngày nay không chỉ muốn mua sản phẩm, mà còn muốn đồng hành cùng thương hiệu trong hành trình bền vững. Để thành công, doanh nghiệp cần gắn giá trị thương hiệu với giá trị của khách hàng với cộng đồng mà doanh nghiệp đang kinh doanh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng vào yếu tố minh bạch và hành động thực tế. Ông Nick Craig, Chủ tịch Viện Đào tạo Core Leadership (Mỹ), nhấn mạnh rằng: "Minh bạch là chìa khóa để xây dựng lòng tin. Doanh nghiệp không thể chỉ nói về bền vững mà phải chứng minh bằng hành động cụ thể".
Các chuyên gia cũng đồng ý rằng chuyển đổi số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và báo cáo tiến độ bền vững. Bằng cách sử dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể minh bạch hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguồn nguyên liệu đến khâu sản xuất và phân phối.
Ngoài ra, hợp tác công - tư cũng là yếu tố không thể thiếu. Chính phủ cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận các gói vay ưu đãi, đồng thời khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch. Những chương trình hợp tác như vậy đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia, và Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để tạo ra hệ sinh thái bền vững.
Nhưng để bền vững thực sự đi vào cuộc sống, doanh nghiệp cần nhiều hơn những khẩu hiệu hay hành động đơn lẻ. Theo bà Trần Tuệ Tri, phát triển bền vững là cơ hội vàng để Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ thương hiệu toàn cầu. Nhưng để nắm bắt được cơ hội này, doanh nghiệp cần hiểu rõ rằng bền vững không phải là lựa chọn, mà là điều kiện để tồn tại.
Điều cần thiết nhất lúc này là một hệ sinh thái bền vững, nơi mà Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng cùng hợp tác. Các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ cần cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ việc cung cấp các gói vay ưu đãi cho đến giảm thuế cho những doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch. Các tổ chức tài chính nên đóng vai trò cầu nối, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn quốc tế cho các dự án bền vững. Và quan trọng hơn hết, mỗi người dân cần thay đổi thói quen tiêu dùng, từ việc giảm nhựa đến sử dụng năng lượng tái tạo.
Bền vững là hành trình dài, và Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu của chuyến đi này. Nhưng với sự quyết tâm từ mọi tầng lớp xã hội, cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng một tương lai xanh hơn - không chỉ cho chính mình mà còn cho các thế hệ mai sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!