ST25 tên một loại gạo nổi tiếng của Việt Nam đứng trước nguy cơ mất thương hiệu vào tay các doanh nghiệp Mỹ và Australia. Trước đó nhiều năm, cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, cà phê Buôn Ma Thuật… cũng là những tên tuổi của Việt Nam từng liên quan đến việc tranh chấp thương hiệu tại nước ngoài.
Theo kế hoạch, ngày 5/5 theo giờ Việt Nam, cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO), sẽ công bố nhãn hiệu ST25 của I&T Enterprises Inc đang được đăng ký Nhãn hiệu Mỹ. Sau 30 ngày, nếu không có bên thứ ba nào nộp đơn phản đối thì nhãn hiệu sẽ được bảo hộ.
Gạo ST24, ST25 đang được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: NLĐ
Trong ngày 4/5, phóng viên Bản tin Tài chính kinh doanh đã liên hệ với gia đình ông Hồ Quang Cua - người được coi là cha đẻ của các giống lúa trên. Theo thông tin mới nhất mà phóng viên VTV nhận được là gia đình ông Hồ Quang Cua đã đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Pan, từ nay họ sẽ uy thác cho Tập đoàn Pan đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và gạo ST25 cùng lúc tại các thị trường lớn trên thế giới.
Ông Hồ Quang Lực, đại diện gia đình ông Hồ Quang Cua, cho biết: "Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí hoặc bản thân kỹ sư Hồ Quang Cua không am hiểu về luật quốc tế cho nên việc hợp tác và nhận hỗ trợ từ tập đoàn Pan gần như là về phía chúng tôi giảm được gánh nặng rất lớn trong việc cũng lúc đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nhiều thị trường lớn cùng lúc, mặt khác, Pan có bộ phận chuyên trách về luật rất am hiểu tạo thuận lợi cho việc rút ngắn thời gian đăng ký. Việc hợp tác này mang đến lợi ích rất lớn cho chúng tôi".
Doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu của mình
Chưa am hiểu về luật pháp quốc tế, không đủ tiềm lực về tài chính, về nhân lực, theo hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, đây là 2 thách thức lớn nhất dẫn tới việc họ chưa thể bảo hộ thương hiệu tại thị trường quốc tế. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp tư nhân của gia đình ông Hồ Quang Cua với Tập đoàn Pan cũng là một cách để chính họ vượt qua những thách thức trên. Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp đang phải chủ động bảo hộ thương hiệu theo cách riêng của mình
Mỹ là thị trường lớn thứ hai thế giới có nhu cầu về hồi và quế, 2 loại sản phẩm chính của công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam. Chính vì thế ngay từ đầu tiên, khi đưa sản phẩm vào Mỹ, họ đã nghĩ này tới việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tại đây. Cách làm của họ là bán sản phẩm thông qua trang thương mại điện tử Amazon và thông qua đây họ thúc đẩy nhanh quá trình đăng ký, bảo hộ thương hiệu của mình tại Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi đã bán hàng trên trang đó được 2 năm, việc đăng ký thương hiệu đến giờ là không có khó khăn gì".
Nếu không có gì thay đổi, chỉ hơn tháng nữa, thương hiệu mới cho sản phẩm quế và hồi của họ sẽ chính thức được bảo hộ tại Mỹ.
Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc tư vấn lại cho các doanh nghiệp là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản - Bộ NN&PTNT, nhận định: "Các hiệp hội ngành hàng cần tư vấn cho doanh nghiệp chú ý việc bảo hộ và chỉ dẫn địa lý… Đây là tài sản vô hình".
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo sản lượng chuyển sang đầu tư chế biến đi sâu vào chất lượng, tối ưu hóa sản phẩm, tránh bỏ lửng quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình.
Thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp
Cần khẳng định một cách chắc chắn rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp. Nó mang lại lợi ích và vì lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước chỉ là người lập ra cơ chế bảo hộ mà thôi. Hệ thống các thương vụ trên thế giới có thể vào cuộc, hỗ trợ về mặt pháp lý, giấy tờ với các cơ quan liên quan, nhưng người cần quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu phải chính là chủ sở hữu thương hiệu đó. Ở Việt Nam có hẳn một chương trình thương hiệu quốc gia, đã được triển khai nhiều năm qua, và đây được coi là địa chỉ tin cậy có đủ chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu trong vào ngoài nước.
Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia Nông nghiệp, chia sẻ: "Chúng ta cũng nên xây dựng các ngành hàng trọng điểm, từ đó sẽ có thương hiệu trọng điểm".
Đặc biệt, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét, thí điểm giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, hiệp hội ngành hàng, chọn ra các sản phẩm xuất khẩu thương hiệu tốt để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm, phù hợp các quy định của WTO.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!