Doanh nghiệp Việt từng bước kiểm kê khí nhà kính

VTV Digital-Thứ ba, ngày 20/08/2024 09:50 GMT+7

VTV.vn - Quyết định số 13 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ban hành có hiệu lực vào 01/10 năm nay. 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Danh sách này đã mở rộng so với con số 1.920 doanh nghiệp trong danh sách trước đây.

Có 6 lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính, bao gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông lâm nghiệp và sử dụng đất, cuối cùng là chất thải. Còn xét về bộ chủ quản, ngành công thương chiếm số lượng lớn nhất, gồm 1.805 doanh nghiệp; kế đến là xây dựng, giao thông vận tải và cuối cùng là môi trường.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Tài nguyên Chính sách và Môi trường cho biết: "Trong quyết định lần này chúng ta chỉ căn cứ vào mức độ phát thải của doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp có phát thải lớn trên 3.000 tấn CO2 1 năm, cho tới năm 2030. Còn những doanh nghiệp đến năm 2050 phát thải trên 1.500 tấn CO2 một năm sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải".

Theo Viện trưởng Viện Tài nguyên Chính sách và Môi trường, nhiều chương trình về nâng cao nhận thức và đào tạo đã được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Tài nguyên Chính sách và Môi trường thông tin: "Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương đã có hướng dẫn liên quan đến hệ số phát thải, các doanh nghiệp cần phải tiếp cận các tổ chức đạt tiêu chuẩn và tiếp cân với các công ty công nghệ để đơn giản hóa việc thực hiện báo cáo phát thải".

Do danh sách các doanh nghiệp cần thực hiện kiểm kê đã có sự thay đổi, các doanh nghiệp trong danh sách cũ mà không nằm trong danh sách mới ban hành sẽ không cần thực hiện báo cáo kiểm kê vào tháng 03/2025 theo quy định.

Việc kiểm kê, hiểu nôm na như đo dấu chân. Biết cỡ chân to nhỏ ra sao, thì mới đo giày cho chính xác và phù hợp, tức là mới có những giải pháp thức thời trong cắt giảm dấu chân carbon, giảm phát thải khí nhà kính. 2.166 doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính lần này cũng là những doanh nghiệp đang để lại dấu chân carbon lớn nhất trong nền kinh tế.

Có những doanh nghiệp thêm vào danh mục lần này, nhưng có những doanh nghiệp thì chưa, để tạo điều kiện cho họ có sự chuẩn bị tốt hơn. Đặc biệt, trong quyết định lần này, các cơ sở chăn nuôi chưa nằm trong danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, như đề xuất trong dự thảo trước đó. Đây được coi là một trợ lực cho các doanh nghiệp chăn nuôi tăng sức cạnh tranh, đồng thời từng bước chuẩn bị cho việc hướng tới kiểm kê khí nhà kính trong tương lai.

Theo đề xuất của Hội Chăn nuôi Việt Nam, lĩnh vực chăn nuôi chưa đưa vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính, ít nhất là từ nay tới năm 2027. Tuy nhiên, chưa đưa vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính cũng không có nghĩa chăn nuôi đứng ngoài cuộc giảm phát thải. Sau cam kết tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án trọng tâm của chiến lược. Đề án hướng chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm ô nhiễm, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng xanh. Trước đó, không ít doanh nghiệp chăn nuôi đã phản ánh về bài toán chi phí kiểm kê, cùng kiến thức kiểm kê vẫn còn quá sơ sài, nên chưa thể thực hiện báo cáo.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng chờ hoặc xin lùi những deadline từ cơ quan quản lý. Theo Nghị định 06 của Chính phủ thì các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính trước ngày 31/3/2025, tức là từ đầu năm tới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã có những doanh nghiệp chủ động đi trước lộ trình này, bởi với những doanh nghiệp này, việc thực hiện báo cáo không chỉ là để báo cáo.

Kiểm kê khí nhà kính - báo cáo không chỉ để báo cáo

Doanh nghiệp Việt từng bước kiểm kê khí nhà kính - Ảnh 1.

Các lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính, bao gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông lâm nghiệp và sử dụng đất, cuối cùng là chất thải.

Với phương tiện di chuyển thì hệ số được áp dụng là cứ mỗi km chiếc xe máy di chuyển sẽ trung bình tạo ra 0,32kg CO2. Nhiệm vụ của người làm kiểm kê là phải tính toán được tổng khoảng cách di chuyển 1 cách ước lượng gần nhất của tất cả những phương tiện đặt tại bãi xe này, nhân với hệ số để tính ra lượng phát thải của những chiếc xe máy tại đây. Không phải doanh nghiệp nào cũng dành thời gian và công sức để tính toán ra lượng phát thải từ công nhân viên như vậy.

Kiểm đếm từng km xe đưa đón nhân viên, rồi cả xe vận chuyển nguyên liệu đầu vào hay đầu ra của nhà máy sữa đều phải đầy đủ và chính xác.

Với mỗi lít sữa tươi nguyên liệu được doanh nghiệp xác định hệ số phát thải riêng, tương ứng 0,84kg CO2. Để tìm ra 1 con số cụ thể như thế có phức tạp không?

Bà Nguyễn Đình Minh Tâm - Giám đốc Kỹ thuật & Tuân thủ, BSI Việt Nam cho biết: "Rất phức tạp, phụ thuộc vào trang trại định lượng phần phát thải liên quan đến sản xuất ra 1 lít sữa. Ví dụ như về giống bò, chăm sóc chuồng trại, quản lý phân chuồng. Nhiều cái khác nhau để định lượng phát thải trên 1 lít nguyên liệu".

Nhiều hệ số phát thải còn chưa có trong quy định của Chính phủ, như điện mặt trời, hay môi chất lạnh của hệ thống điều hoà chẳng hạn, nên doanh nghiệp phải tự tìm kiếm, rồi làm báo cáo để tổ chức độc lập xác minh.

"Làm sao nó thật chính xác, sai số nhỏ nhất mới đưa vào tính toán được. Sau khi nỗ lực 1 thời gian chúng tôi đã ra được báo cáo đầu tiên vào tháng 8/2022 cho giai đoạn 2021, và duy trì tới bây giờ", chị Trịnh Thị Thúy An - Chuyên viên Hệ thống Quản lý Chất lượng, Nhà máy Sữa Việt Nam chia sẻ.

Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc Điều hành Sản xuất, Vinamik cho biết: "Để chuẩn bị cho lộ trình tiếp theo sau 2027 thì chúng tôi phải kiểm kê khí nhà kính ở phạm vi số 3 ngay từ bây giờ. Không phải là vì có ai ép buộc hết. Vì mục tiêu trách nhiệm của mình với cộng đồng, chiến lược phát triển bền vững của Vinamilk, hướng tới bảo vệ môi trường thì Vinamilk triển khai ngay từ bây giờ".

Mục tiêu tự đặt ra của doanh nghiệp là 2027 giảm 15% khí phát thải, 2035 giảm 55%, và tới 2050 là đạt Net Zero. Nên kiểm kê không phải để hoàn thành báo cáo nộp Chính phủ, mà để đạt mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp. Kiểm kê là để tìm ra những chi tiết có hệ số phát thải lớn, nhưng dễ dàng loại bỏ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước