Đây chính là tiền đề quan trọng cho giai đoạn từ 2026 - 2030 sẽ bắt đầu thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ cho các doanh nghiệp, bộ, ngành.
Cần sự minh bạch trong kiểm kê khí, cắt giảm nhà kính
Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cho biết cần thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên từ 2022, 2.000 tấn CO2 tương đương trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2 tương đương trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2 tương đương trở lên từ năm 2050, xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở từ năm 2026.
Tiền đề quan trọng để giúp các doanh nghiệp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là việc kiểm kê khí nhà kính, có nghĩa là xác định nguồn phát thải và đong đếm lượng phát thải đó.
Theo các chuyên gia, phương pháp kiểm kê đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng, dùng số liệu các nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh như than, xăng, dầu, điện… rồi để quy đổi bằng công thức thì ra được lượng phát thải khí nhà kính.
Ông Đào Xuân Hoạch, Trưởng phòng Dự án, Công ty Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) cho biết: "Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp cần ghi chép đầy đủ số liệu đầu vào các loại nguyên liệu như xăng, dầu, hao tốn điện năng…, cần có sự minh bạch, chứng minh được việc chúng ta sử dụng năng lượng đó. Đây chính là cơ sở để xác định hạn mức phát thải sau này của mỗi doanh nghiệp".
Cũng theo chuyên gia, từ việc kiểm kê phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp cũng sẽ lên lộ trình để cắt giảm phát thải khí nhà kính, từ đó xác định được chính xác được nguồn lực đầu tư cho các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đầu tư cho công nghệ mới thì mới để giảm tiêu hao năng lượng hơn.
Ông Nguyễn Duy Ký, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Traphaco cho rằng: "Với những doanh nghiệp tiên phong trong việc kiểm kê, có lộ trình giảm phát thải rõ ràng cần được các Bộ ngành và Chính phủ có những chính sách hỗ trợ ưu đãi về lãi vay ngân hàng, hay ưu tiên về thuế, để họ có nguồn lực vững chắc chuyển đổi xanh".
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải cắt giảm tối thiểu trên 563 triệu tấn khí CO2. Trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phải cắt giảm nhiều nhất.
Cắt giảm, chuyển đổi, hấp thụ
Cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hấp thụ khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất, theo các doanh nghiệp đây chính là 3 bước quan trọng để chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh và mục tiêu cao hơn là Net Zero vào năm 2050.
Sau quá trình kiểm kê khí nhà kính tại các đơn vị vào năm 2022, Vinamilk là doanh nghiệp sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014. Theo đó, doanh nghiệp cũng công bố lộ trình cắt giảm khí nhà kính trong thời gian tới, cụ thể sẽ cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050.
Bà Nguyễn Đình Minh Tâm đại diện của tổ chức BSI (Viện tiêu chuẩn Anh Quốc) - đơn vị cấp chứng nhận đánh giá, Vinamilk trong số ít đơn vị nỗ lực phát triển bền vững từ việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính chính xác, kỹ lượng từ sớm, từ đó xây dựng các lộ trình giảm phát thải.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk chia sẻ: "Nhìn lại hành trình đã đi của mình theo định hướng phát triển bền vững, chúng tôi nhận thấy đây là hướng đi đúng đắn và đã đưa ra các quyết định từ rất sớm. Ngoài việc thể hiện sự cam kết của công ty đối với cộng đồng và người dân Việt Nam, chúng tôi còn hy vọng sẽ góp phần truyền tải mạnh mẽ những thông điệp tích cực đến với cộng đồng doanh nghiệp, chung tay cùng Chính phủ trên hành trình sứ mệnh Net Zero - một hành trình cho một tương lai xanh, bền vững hơn cho chính chúng ta và thế hệ mai sau".
Để hiện thực hóa lộ trình trên, doanh nghiệp kiên trì thực hiện từ năm 2012 trở lại đây, 3 quá trình cắt giảm, chuyển đổi và hấp thụ khí nhà kính trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Vinamilk đã triển khai Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, hoàn thành trồng 1.121.000 cây vào cuối năm 2020. Năm 2023, tiếp tục phối hợp cùng với Bộ Tài nguyên & Môi trường triển khai hoạt động trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zezo trong vòng 5 năm 2023 - 2027 và nhiều dự án trồng cây khác để hình thành các cánh rừng Vinamilk trong quỹ cây xanh giúp hấp thụ phát thải carbon.
Theo quy định, trong thời gian tới mỗi doanh nghiệp sẽ bị giới hạn không được phát thải quá một mức độ cho phép. Như vậy, việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hấp thụ khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ là xu hướng, mà sẽ là bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện trong thời gian tới.
Hội thảo Net Zero - Chuyển dịch xanh: Cơ hội người dẫn đầu được kỳ vọng sẽ góp phần để các Bộ ngành, doanh nghiệp, đơn vị truyền thông và người dân cùng có góc nhìn chung, cùng đi trên một con đường giảm phát thải ròng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã mở ra. Đó sẽ là một hành trình dài nhưng nó sẽ ngắn lại ngay từ khi chúng ta nắm bắt được cơ hội là những người dẫn đầu trong xu thế chuyển dịch xanh.
Hội thảo Net Zero - Chuyển dịch xanh: Cơ hội người dẫn đầu, diễn ra vào 8h30 ngày 27/6 tại Hà Nội và được livestream trên nền tảng số quốc gia VTVGo, Fanpage VTVMoney, YouTube VTV24 và TikTok VTV24.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!