Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hiện ESG về chuyển đổi xanh thì năm 2022, có tới 80% doanh nghiệp đã cam kết và có kế hoạch hoặc có cam kết thực hiện ESG trong 2 - 4 năm tới. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đang tích cực hướng đến các yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, đóng góp vào việc thực hiện hóa cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 là phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó có không ít doanh nghiệp đã đi trước tiên phong trong lĩnh vực này.
Nhiều giải pháp đã được TH True Milk triển khai trong hành trình sản xuất xanh với mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon như: Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên toàn bộ các trang trại nhằm cung cấp năng lượng sạch, giúp giảm phát thải gần 5.000 tấn CO2 1 năm; Xây dựng nhà máy chế biến phân vi sinh sạch tiêu chuẩn quốc tế từ chất thải của bò; Đầu tư nhà máy xử lý nước thải hiện đại, hoàn trả về tự nhiên dòng nước sạch…
Nhờ vậy, năm 2022, phát thải carbon ở các nhà máy của doanh nghiệp đã giảm xuống 0,1kg CO2 trên 1 sản phẩm, giảm hơn 30% so với 2021. Không chỉ sản xuất xanh, mà doanh nghiệp còn tìm kiếm những giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Như doanh nghiệp sử dụng thìa sữa chua sinh học có nguồn gốc chủ yếu từ tinh bột thực vật như ngô, sắn, mía, để thay thế thìa nhựa. Ngưng sử dụng màng nhựa ở phần nắp chai sản phẩm, hay chấm dứt sử dụng túi nilon tại gần 300 cửa hàng trên toàn quốc và chuyển sang bán túi vải cho người tiêu dùng… Những hành động tiên phong của doanh nghiệp này đã thúc đẩy phát triển bền vững và mang lại nhiều lợi ích cho môi trường.
Bà Hoàng Thị Thu Thủy - Trưởng Ban phát triển bền vững, Tập đoàn TH cho biết: "Việc loại bỏ màng co cho sản phẩm đồ uống của sản phẩm TH giúp giảm 4 triệu tấn nhựa 1 năm. Thông qua việc giảm thiểu 1/2 thìa nhựa sữa chua ăn sẽ giúp giảm hơn 100 tấn nhựa 1 năm. Tiến tới chúng tôi sẽ tiến tới giảm hoàn toàn thừa nhựa sữa chua cung cấp tới người tiêu dùng".
Năm 2022, phát thải carbon ở các nhà máy của TH True Milk đã giảm xuống 0,1kg CO2 trên 1 sản phẩm, giảm hơn 30% so với 2021.
Từ hệ sinh thái rừng tre hữu cơ, mỗi năm Công ty TNHH Vải sợi Bảo Lân cung cấp ra thị trường hơn 1.000 tấn sợi tre, đạt tiêu chuẩn khai thác từ tự nhiên, không ảnh hưởng đến môi trường. Vải, sợi có nguồn gốc từ tự nhiên đã giúp doanh nghiệp này đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng với tiêu chuẩn toàn cầu.
Ông Quách Kiến Lân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vải sợi Bảo Lân cho biết: "Trong khoảng cuối năm 2022 đến giờ, có nhiều khách hàng người nước ngoài, có cả người Việt Nam nữa, họ đến tìm hiểu và mua những sản phẩm đó".
Đại diện BSI Việt Nam - đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp phát triển bền vững cho biết, ý thức chuyển đổi sản xuất xanh của doanh nghiệp Việt Nam thời gian gần đây đã có sự thay đổi rõ nét.
"Số khóa đào tạo liên quan đến nhà khí nhà kính để các doanh nghiệp có thể thực hiện được chương trình kiểm kê đã tăng từ 6 - 7 lần so với các năm trước. Còn các giải pháp của các doanh nghiệp thì nhiều doanh nghiệp họ cũng đưa ra các chuẩn mực để phát triển chuỗi cung ứng của họ. Trong đó, bao gồm tiêu chí quan trọng là tiêu chí phát triển bền vững", bà Nguyễn Đình Minh Tâm - Giám đốc vận hành Tuân thủ và Quản lý rủi ro của BSI Việt Nam cho biết.
Hiện nay, tại Việt Nam cũng chưa có bất kỳ một quy định pháp lý nào về tỉ lệ xanh hoá cho các sản phẩm nhưng một khi đã là một xu thế của toàn cầu thì doanh nghiệp nào đi trước đón đầu sẽ có những lợi thế nhất định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!