Các khu công nghiệp Hà Nội từng bước khôi phục hoạt động
Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, giảm áp lực an sinh và những gánh nặng cho doanh nghiệp, TP Hà Nội đã quyết định chia mức độ giãn cách thành 3 vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch.
Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp của Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất và thu hút nhiều lao động đến từ các địa phương khác, là bộ phận cấu thành không thể tách rời của nền kinh tế. Từ ngày 8/9, các huyện có khu công nghiệp lớn của Hà Nội được đồng loạt áp dụng Chỉ thị 15, mở đường cho việc khôi phục sản xuất của các nhà máy tại đây.
Ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 15, Công ty Giày Đông Anh đã gọi thêm 300 lao động đi làm. Sau hơn 1 tháng áp dụng "3 tại chỗ", giờ đây người lao động được đi về hàng ngày giữa nhà máy và nơi ở. Những công nhân này vui mừng ra mặt khi được gọi đi làm trở lại.
Từ ngày 8/9, các huyện có khu công nghiệp lớn của Hà Nội được đồng loạt áp dụng Chỉ thị 15, mở đường cho việc khôi phục sản xuất của các nhà máy tại đây. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Thu nhập và năng suất sản xuất được 100%, tôi rất phấn khởi", chị Đặng Thị Ánh, công nhân Công ty Giày Đông Anh, chia sẻ.
Tâm lý thoải mái cũng khiến người lao động làm việc hiệu quả hơn. Năng suất lao động của nhà máy đã tăng lên 20% so với khi áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" theo Chỉ thị 16.
"Sang đến đầu tháng 9, sau khi huyện Đông Anh áp dụng Chỉ thị 15 của thành phố, sản lượng của công ty tăng lên rõ rệt", Giám đốc Sản xuất Công ty Giày Đông Anh Nguyễn Viết Tiến cho biết.
Áp dụng Chỉ thị 15, khách hàng không còn dè dặt, mà bắt đầu đặt hàng mới, các chuỗi cung ứng được nối lại, vận chuyển cũng thuận tiện hơn giúp công ty dần nối lại hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Các công ty hoạt động trong khu công nghiệp chủ yếu sản xuất, gia công các mặt hàng xuất khẩu. Người lao động của các công ty này được đi lại bình thường có ý nghĩa rất lớn trong việc khôi phục lại sản xuất.
Các công ty đã khôi phục được 70% sản xuất so với trước. Điều này cũng đảm bảo việc làm cho hơn 200.000 lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Chia vùng nguy cơ dịch bệnh ở ngoại thành Hà Nội
Bắt đầu từ đợt giãn cách thứ 4, tính từ ngày 7/9 tới nay, thành phố Hà Nội đã phân chia mức độ giãn cách thành 3 vùng, tương ứng với mức độ nguy cơ của dịch. Đối với riêng các khu vực ngoại thành, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp đã được áp dụng giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng, với nhiều "vùng xanh" được mở ra. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất.
Cụ thể, việc phân vùng ở ngoại thành được thực hiện như sau:
- Vùng 1 ở mức độ nguy cơ cao: Thực hiện các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 15. Đối với các khu vực được cách ly hoặc có ca mắc thì thực hiện các biện pháp cao hơn, thậm chí thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 riêng tại khu vực đó;
- Vùng 2 ở mức độ nguy cơ: Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 15, áp dụng biện pháp cao hơn với riêng khu vực có F0;
- Vùng 3 ở mức độ "bình thường mới: Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 15; mỗi khu dân cư, ngõ xóm, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch; tuân thủ quy tắc 5K; duy trì các tổ tự quản, kiểm soát, bảo vệ "vùng xanh".
Căn cứ vào biện pháp này, các doanh nghiệp sẽ có thể lên kế hoạch sản xuất cụ thể, bố trí nơi ở cho công nhân nếu công nhân ở ngoài ngoài vùng an toàn, hoặc có biện pháp đảm bảo thuận lợi cho xe chở vật liệu, hàng hóa ra vào vùng sản xuất.
Linh hoạt phân khu đảm bảo yêu cầu chống dịch
5 quận, huyện thuộc vùng 2 bao gồm: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh đều được xem là những "hành lang kinh tế" quan trọng của thành phố. Việc nới lỏng giãn cách xã hội nhằm nhanh chóng tổ chức phục hồi sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ".
Ngay bên trong mỗi quận, huyện, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, chính vì vậy các quận huyện tại Hà Nội đã triển khai các phương án phân khu một cách linh hoạt, chủ động, sát với đặc điểm địa địa lý, dân cư và tình hình sản xuất trên địa bàn.
UBND quận Long Biên chia địa bàn thành 3 nhóm khu vực: nguy cơ cao, nguy cơ và trạng thái bình thường mới, bắt đầu thực hiện từ 6h ngày 9/9/2021. Trong đó, các khu công nghiệp được đặt ở mức độ nguy cơ cao.
Chính vì vậy, dù trong toàn thành phố Hà Nội, quận Long Biên được xác định là vùng 2, nhưng Khu công nghiệp Sài Đồng B, nơi tập trung khoảng 12.000 công nhân, vẫn áp dụng theo nguyên tắc Chỉ thị 16. An toàn được đặt lên hàng đầu để bảo vệ thành quả chống dịch.
Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được yêu cầu đảm bảo "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" và có phương án phòng, chống dịch đã được phê duyệt.
"Việc cấp giấy đi đường cho người lao động phải được quản lý chặt chẽ. Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ giao cho các phường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh", Chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Tại khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp chuyển phát nhanh, một chốt kiểm soát đã được bố trí 24/7 nhằm rà soát người ra vào, truy vết và dập dịch nhanh nhất có thể.
"Trực chốt ở đây là 24/7, đối tượng có nguy cơ cao test 72 giờ. Đơn vị có nguy cơ thấp hơn yêu cầu 1 tuần/ lần", Phó Chủ tịch UBND phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) Ngô Tuấn Ngọc cho biết.
Rõ ràng việc phân vùng cần đi kèm với những hướng dẫn cụ thể về cơ chế vận hành liên vùng nhằm giúp Hà Nội nhanh chóng đạt mục tiêu "khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh".
Đồng Nai đẩy mạnh sản xuất nhờ lực lượng "công dân vaccine"
Không chỉ Hà Nội, mà các tỉnh, thành phía Nam cũng đang dần gỡ bỏ giãn cách ở những khu vực an toàn để khôi phục sản xuất. Cùng với việc thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K trong suốt quá trình làm việc, thực hiện "1 cung đường 2 điểm đến", các doanh nghiệp cũng chú trọng đến việc tiêm vaccine cho công nhân.
Không chỉ Hà Nội, mà các tỉnh, thành phía Nam cũng đang dần gỡ bỏ giãn cách ở những khu vực an toàn để khôi phục sản xuất. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Riêng ở Đồng Nai - một trong địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất tại phía Nam, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại đây đang được tạo điều kiện tiêm vaccine" cho công nhân sớm nhất.
Gần 100% công nhân của doanh nghiệp làm bảng hiệu quảng cáo thuộc Công ty Daikan Việt Nam đã được tỉnh Đồng Nai tổ chức tiêm vaccine. Không chỉ người lao động yên tâm khi được phòng ngừa COVID-19, mà chủ doanh nghiệp cũng rất vui khi sắp tới có thể tuyển dụng thêm nhân lực mới.
"Nhân viên ở đây cũng được tiêm vaccine. Sắp tới doanh nghiệp có dự định tuyển thêm những người mới, vì đơn hàng đang tăng cao. Nếu những người mới được tiêm vaccine thì doanh nghiệp cũng an tâm", ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam, tỉnh Đồng Nai, cho hay.
Toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 3 triệu dân. Những người trong độ từ 18 tuổi trở lên chiếm khoảng 76%, trong đó có các công nhân ở các khu công nghiệp và người lao động đang ở các khu nhà trọ. Để đến 15/9, ít nhất 1 người phải tiêm 1 mũi vaccine, tỉnh đang tập trung mọi nguồn nhân lực nâng cao năng lực tiêm bằng cách tiêm cả ban ngày lẫn ban đêm ở các khu dân cư và các nhà máy, khu công nghiệp để mỗi ngày tiêm được 150.000 mũi.
"Tỉnh Đồng Nai huy động nguồn nhân lực của tỉnh, từ các bác sĩ nghỉ hưu, y, bác sĩ tỉnh bạn, cũng như các y, bác sĩ trong quân y. Đến nay, toàn tỉnh đang có khoảng 700 đội tiêm, trung bình là 150.000 liều", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang tiến tới thực hiện "công dân vaccine". Chỉ khi người dân đã được tiêm vaccine mới được ra đường và tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, doanh nghiệp mới có thể tuyển dụng nhân công, mở rộng sản xuất. Do đó, càng có nhiều công dân được tiêm vaccine, các hoạt động càng sớm trở lại bình thường.
Cùng với Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai là một trong những địa phương tại phía Nam có nhiều khu công nghiệp quy mô lớn nhất, với số lượng công nhân đông đảo. Nếu mô hình "công dân vaccine" thành công, việc sản xuất được mở rộng trở lại, sẽ là tiền đề, hình mẫu cho các địa phương khác khôi phục sản xuất trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!