Ảnh minh họa.
Theo chia sẻ của ông Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, ở Israel có 8,5 triệu dân nhưng có tới 6.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đứng thứ hai thế giới tính theo đầu người. Hơn 80% doanh nghiệp ở nước này đều thất bại khi lần đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp đó đều tiếp tục học hỏi và thay đổi để đi đến thành công.
Ông Doron Lebovich nói: "Ở Israel có một doanh nhân đã khởi nghiệp từ năm 2000 và có tới 3 lần đều thất bại. Tuy nhiên, người này không nản chí và đã thành công với một phần mềm cảnh báo ùn tắc giao thông có tên waze, được google mua với giá 1 tỷ USD. Qua câu chuyện này, tôi muốn nhắn nhủ các bạn Việt Nam làm khởi nghiệp hãy đừng ngại tiếp tục khởi nghiệp khi gặp phải thất bại bởi thành công sẽ luôn đến với các bạn".
Các doanh nhân chia sẻ, với công nghệ hiện nay, vốn hay hệ thống mạng lưới quan hệ chưa hẳn là yếu tố then chốt cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu như trước kia, muốn khởi nghiệp doanh nghiệp cần có một văn phòng thì nay doanh nghiệp có khi chỉ cần một máy tính kết nối mạng Internet là đủ.
Sản phẩm độc đáo, kết hợp với truyền thông hiệu quả sẽ tạo ra sự thành công của các doanh nghiệp công nghệ.
"Doanh nhân truyền thống họ dựa vào mối quan hệ để có hợp đồng nhiều hơn, còn với doanh nhân công nghệ thực sự phải đi vào sản phẩm, quảng bá sản phẩm và khách hàng tự tìm đến. Tôi nghĩ đó là sự khác biệt", ông Lê Việt Thắng - CEO 1Office.vn – cho biết.
Theo các chuyên gia, "dám khác biệt" trong cách nghĩ, cách làm sẽ góp phần tạo nên sự thành công của các doanh nhân công nghệ. Để có thể tồn tại và phát triển trong thị trường hiện nay, ý tưởng mới sẽ là điều không thể thiếu nếu doanh nghiệp không muốn bị tụt lại phía sau.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!