Doanh số bán lẻ châu Âu tăng trưởng chậm bất thường

Lê Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ năm, ngày 06/04/2023 11:42 GMT+7

VTV.vn - Doanh số bán lẻ tại các nước châu Âu tăng trưởng chậm bất thường là một trong những nguyên nhân gây suy giảm ngoại thương.

Chỉ số bán lẻ xác định khối lượng tất cả hàng hóa được bán ra từ các doanh nghiệp bán lẻ, trên cơ sở chọn mẫu từ các cửa hàng thuộc chủng loại và quy mô khác nhau. Số lượng hàng tồn quá lớn từ năm trước cũng cản trở doanh nghiệp bán lẻ châu Âu nhập khẩu thêm trong 3 tháng đầu năm nay.

Số liệu mới nhất Cơ quan Thống kê châu Âu công bố cho thấy, doanh số bán lẻ tại các nước sử dụng đồng Euro chỉ tăng 0,3% trong tháng 1, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. So với trước đó một năm, doanh số bán lẻ tại 20 quốc gia Eurozone đã giảm 2,3%, nhu cầu tiêu dùng đang rất yếu. Doanh số bán lẻ vẫn có xu hướng giảm kể từ tháng 11/2021. Nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy tốc độ giảm đã nhanh hơn kể từ mùa thu năm ngoái.

"Chi tiêu của các hộ gia đình phải cân đối giữa sức mua có nguy cơ suy giảm và mong muốn tiết kiệm nhiều hơn. Về sản phẩm, họ sẽ giảm mua quần áo, đồ gia dụng và ô tô. Về dịch vụ, đi ăn bên ngoài, du lịch, giải trí, sản phẩm chăm sóc cá nhân… sẽ bị cắt giảm trước tiên", ông Alexander Mirlicourtois - chuyên gia kinh tế cho biết.

Doanh số bán lẻ châu Âu tăng trưởng chậm bất thường - Ảnh 1.

Doanh số bán lẻ châu Âu tăng trưởng chậm bất thường. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Lạm phát cao chỉ giải thích phần nào mức độ sụt giảm. Ý thức tiêu dùng đã thay đổi, người châu Âu không còn mua sắm mạnh tay như trước. Hạn chế mua sắm tuỳ hứng, giảm thiểu rác thải, mua đồ dùng thiết yếu và đủ lượng cần đến… những hành vi đó tác động rõ rệt tới doanh số bán lẻ các sản phẩm dệt may, da giày và đồ điện tử - những mặt hàng mà doanh nghiệp châu Âu thường thuê gia công ở nước ngoài.

Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt nam tại Liên minh châu Âu và Vương quốc Bỉ nhận định: "Trong những năm trước đây, khi kinh tế châu Âu gặp khó khăn, những mặt hàng của Việt Nam được gọi là mặt hàng thiết yếu vẫn có một độ tăng trưởng nhất định. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm nay lại chứng kiến một dấu hiệu suy giảm các mặt hàng như nông sản, các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối mạnh so với các mặt hàng thời trang. Thời trang, các mặt hàng dệt may, giày dép giảm khoảng độ 20% thì mặt hàng thủy, hải sản giảm khoảng 40%. Điều này tương đối là bất thường".

Nhập khẩu vào châu Âu sụt giảm còn do lượng hàng hoá tồn kho năm ngoái quá lớn. Doanh nghiệp bán lẻ phải tìm cách giải phóng hàng tồn trước, sau mới đặt hàng tiếp.

"Thời điểm khó khăn này cũng phải đặt ra vấn đề mới cho chúng ta đó là xuất khẩu hàng hóa sẽ chuyển dần từ xuất khẩu số lượng sang xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn, hướng đến phần chế biến nhiều hơn, để đảm bảo rằng lượng hàng vào Liên minh châu Âu ổn định ở mức nhất định", ông Trần Ngọc Quân cho biết.

Những chỉ số mà Cơ quan Thống kê châu Âu vừa công bố, cũng như những dự báo của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thời gian tới, đều không mấy thuận lợi cho mở rộng ngoại thương. Tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu thường tỷ lệ với nhau. Dữ liệu tổng quan cho thấy tổng nhập khẩu của Liên minh châu Âu suy giảm dần dần, suốt từ tháng 8/2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước