Khẳng định vị thế trên đường hội nhập
Năm 2020 sắp kết thúc - một năm đầy biến động của nền kinh tế toàn cầu trước tác động của đại dịch COVID-19, vượt xa khủng hoảng tài chính 2008. Thậm chí, nhiều tổ chức quốc tế nhận định đại dịch COVID-19 đang định hình lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang cho thấy sự trụ vững và được đánh giá là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu, với 13 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Những kết quả này là nhờ định hướng chiến lược lớn của Đảng và Chính phủ về "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực", tự cường trên "Đại lộ" hội nhập.
Với 13 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường của gần 60 quốc gia có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Trong đó, phải kể đến các hiệp định thương mại có quy mô lớn như Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu.
Riêng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, tiếp cận với thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% GDP toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam đang cho thấy sự trụ vững và được đánh giá là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa - VGP.
Doanh nghiệp tận dụng thị trường từ các FTA
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều ngành hàng sụt giảm chưa từng có, đặc biệt là những ngành hàng phụ thuộc cả đầu vào và đầu ra với các đối tác, thị trường nước ngoài như dệt may, nông, thuỷ sản… Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng kiến được những cú ngược dòng để đứng vững trên chính những ngành hàng này.
Một số ngành hàng xuất khẩu tôm, thuỷ sản đạt mức tăng trưởng dương tới Nhật Bản, Canada nhờ Hiệp định CPTPP, trong khi các nước khác giảm tiêu thụ thủy sản Việt Nam. Hay như EVFTA, ngay khi có hiệu lực từ tháng 8, đã tạo cú hích rất lớn cho các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như nông sản, dệt may, da giày…
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, đã tạo cú hích rất lớn cho các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như da giày. Ảnh minh họa - Dân trí.
Hiệp định EVFTA cũng đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu cá ngừ. Ngay trong tháng 8, tháng đầu tiên Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vào châu Âu đã tăng gần 9%, đạt mức 11,4 triệu USD. Yêu cầu hàng đầu là sản phẩm cá ngừ không vi phạm khai thác bất hợp pháp. Cùng với đà tăng trưởng này các sản phẩm gạo, gỗ, sản phẩm từ gỗ, cao su… cũng đạt được những kết quả tích cực.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả không chỉ các sản phẩm tìm được đầu ra từ các thị trường, mà còn là nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Thống kê cho thấy, trị giá hàng xuất khẩu đều duy trì qua các tháng từ 2 - 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
"Năm nay là một năm thành công của hoạt động đối ngoại, đóng góp rất lớn cho hoạt động thương mại với các hiệp định thương mại tự do. Các doanh nghiệp ngành hàng lợi thế đang cho thấy những nhanh nhạy và hiểu thị trường trong các FTA thế hệ mới với các hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn hàng dồi dào để cung ứng ngay lập tức cho các thị trường", ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho hay.
Có thể thấy khả năng tận dụng CPTPP và EVFTA để vượt qua COVID-19 phụ thuộc rất nhiều vào sự đầu tư và chủ động của các doanh nghiệp, cộng với hỗ trợ hiệu quả từ các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, về lâu dài với những FTA thế hệ mới, tầm nhìn không chỉ 1 - 2 năm mà phải dài hơi nữa. Xu hướng các nước đối tác, nhất là các nền kinh tế phát triển, ngày càng lồng ghép các điều khoản có "tiêu chuẩn cao" trong các FTA.
Kể từ khi bước vào sân chơi lớn toàn cầu cách đây gần 15 năm với việc tham gia WTO, quá trình mở những "cao tốc" để đưa nền kinh tế nước ta đến gần các thị trường tiềm năng là những chặng đường đầy chông gai. Có những "con đường hội nhập" mất đến cả chục năm để xây dựng. Tuy nhiên, thành quả rất xứng đáng khi mỗi tuyến đường mở ra sẽ tạo thêm cơ hội thịnh vượng cho nước nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!