Đón "mưa" đơn hàng, ngành dệt may hứa hẹn một năm bội thu

Kate Trần-Thứ ba, ngày 07/01/2025 20:59 GMT+7

Việt Nam đã vượt qua Bangladesh để đặt chân lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu.

VTV.vn - Xuất khẩu dệt may đang trên đà phục hồi với con số tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, hiện các doanh nghiệp đang đón nhận "mưa" đơn hàng cho năm 2025.

Linh hoạt tận dụng cơ hội "vàng" để bứt tốc

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt hơn 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm trước. Với con số này, nước ta đã vượt qua Bangladesh để đặt chân lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Chia sẻ với phóng viên VTV Times về bức tranh xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2024, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, xuất khẩu ngành hàng này bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2024 khi nền kinh tế thế giới "ấm" lên. Ước tính cả năm 2024, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 794 tỷ USD, tăng gần 3% so với năm 2023. Hiện nước ta có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các nước xuất khẩu dệt may. Sản phẩm dệt may Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu sang 104 thị trường cũng như đa dạng hoá được đối tượng khách hàng và mặt hàng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, hầu hết các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024. Doanh thu hợp nhất năm 2024 của tập đoàn ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023. Trong đó, điển hình, Tổng Công ty Cổ phần Đức Giang ước đạt doanh thu khoảng 2.396 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 26%, đạt 24 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc May 10 cho biết, năm 2024, tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt gần 4.700 tỷ đồng, tăng vượt 11% so với kế hoạch, tăng 10% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 131,5 tỷ đồng, tăng 14% so với kế hoạch, tăng 7% so với năm 2023.

"Năm 2024 đã đi qua với nhiều thắng lợi của ngành Dệt May Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng. Các doanh nghiệp đã linh hoạt và kịp thời tận dụng những thời cơ "vàng" trong 6 tháng cuối năm để đưa kết quả cả năm 2024 hoàn thành thắng lợi vượt mức mục tiêu đề ra, đưa ngành Dệt may nước nhà bước lên nấc thang tăng trưởng mới trên bản đồ dệt may thế giới. Đây là nền tảng vững chắc để xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025", ông Trường nhấn mạnh.

Đón "mưa" đơn hàng ngay đầu năm 2025

Nhận định về triển vọng năm 2025, ông Cẩm cho hay, tín hiệu tăng trưởng thị trường dệt may ngày càng tốt hơn khi một số thị trường nhập khẩu chủ đạo Mỹ, EU, Nhật Bản…đang tiếp tục ghi nhận sự phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh. "Theo thường lệ, dịp cuối năm nhu cầu may mặc tăng mạnh, cùng với những yếu tố tác động từ nền kinh tế thế giới hay sự suy yếu, bất ổn của các đối thủ; sự chuyển dịch lớn đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam…là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành dệt may đón "mưa" đơn hàng ngay từ đầu năm 2025. Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp thành viên hiệp hội cho biết đã có đơn hàng kha khá cho năm 2025", ông Cẩm nhấn mạnh.

Còn theo lãnh đạo Vinatex, nhiều đơn vị hiện đã có đơn hàng hết quý II/2025, thậm chí đến quý III/2025 và tiếp tục đàm phán đơn hàng cho cả năm. "Dự kiến, đơn giá của các đơn hàng dệt may đang cải thiện dần, có xu hướng tăng trở lại khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn được cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Ngành dệt may Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn về thị trường và tiếp tục là một điểm đến sáng trên bản đồ dệt may thế giới. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2025 đạt 850 tỷ USD, xuất khẩu dệt may Bangladesh có thể phục hồi từ tháng 7/2025. Xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2025 có thể đạt khoảng gần 46 tỷ USD, tăng 6% so với mức 43,5 tỷ USD của năm 2024", ông Trường nhấn mạnh thêm.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang nỗ lực nâng cao năng lực để nắm bắt cơ hội hiệu quả nhất. Trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, ông Trường cho biết, Vinatex đã đưa ra định hướng cho các đơn vị với các yếu tố đầu vào cụ thể như lao động - tiền lương, tỷ giá - lãi suất, xu hướng dịch chuyển đơn hàng, các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may Việt Nam…Cũng theo ông Trường, ngay trong quý 1/2025, nhiều doanh nghiệp của Vinatex sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm bao gồm xúc tiến, may mẫu và chào hàng nhanh các khách hàng tiềm năng; song song với việc triển khai sản xuất đơn hàng đã nhận. 

Tuy nhiên, theo ông Trường, để khẳng định vị thế và gia tăng đơn hàng bễn vững trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần tăng cường chuyển đổi số, đầu tư máy móc, thiết bị tự động, tiến tới xanh hóa dệt may, cắt giảm tối đa các khoản chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và có phương án phát triển, mở rộng thị trường mới tại các khu vực Trung Đông, Nam Mỹ.../.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước