Indonesia
Theo tờ The Policy Times, Indonesia là một trong những quốc gia Đông Nam Á đã triển khai nhiều biện pháp nổi bật để tận dụng thời cơ chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều xáo trộn sau đại dịch COVID-19.
Ngay sau cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 11/5, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư của Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan đã có cuộc trò chuyện với trợ lý Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy các kế hoạch dịch chuyển nhà máy của Mỹ về nước này.
"Tổng thống Joko Widodo đã có một cuộc nói chuyện rõ ràng với Tổng thống Trump về tình hình hiện tại. Căng thẳng Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang, vì vậy ông Trump thực sự muốn di dời ngành công nghiệp của mình ở Trung Quốc, đặc biệt là sang Indonesia. Tôi đã được tổng thống yêu cầu nói chuyện với các trợ lý của ông Trump ngay sau buổi họp đó", ông Luhut chia sẻ.
Indonesia thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp Mỹ (Nguồn Reuters)
Nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt hơn và tiên tiến hơn, diện tích đất lớn kết hợp với các ưu đãi hấp dẫn đang là chiếc chìa khóa mang lại cơ hội cho quốc gia này trong cuộc cạnh tranh nhằm thu hút sự dịch chuyển của các công ty từ Mỹ.
Theo báo chí Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã đàm phán trực tiếp với ông Trump và đưa ra các ưu đãi lớn về đất đai trong vòng 5 năm cũng như các chính sách "đầy hấp dẫn". Bộ trưởng Luhut cho biết chính phủ Indonesia đang chuẩn bị 4.000 ha đất tại tỉnh Trung Java, dành riêng cho các khu kinh tế đặc biệt để phục vụ cho ngành công nghiệp dược phẩm.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Agus Gumiwang cũng đã tiến hành kế hoạch phát triển 27 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2020 - 2024 nhằm sẵn sàng cho sự chuyển dịch cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài.
Indonesia đã chuẩn bị rất kỹ càng để có thể đón “sóng” FDI dịch chuyển sau đại dịch
Bên cạnh đó, Indonesia đang triển khai kế hoạch nới lỏng các quy tắc về môi trường để khuyến khích các công ty năng lượng đầu tư vào nước này. Kế hoạch phục hồi nền kinh tế với mục đích khởi động lại các ngành công nghiệp sẽ bao gồm các đề xuất nhằm giảm bớt nhiều quy định, thủ tục không cần thiết khi các công ty năng lượng tiến hành nghiên cứu môi trường và khai thác than.
Trong quý I/2020, chính phủ Indonesia cũng đặt mục tiêu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 22% vào năm 2021-2022 và xuống 20% vào năm 2023. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này cần phải được áp dụng ngay, qua đó giúp Indonesia sớm có được thêm lợi thế trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vốn đang "nóng" trong khu vực hiện nay.
Thái Lan
Một quốc gia khác là Thái Lan cũng đang tỏ ra rất quyết tâm trong cuộc chạy đua này.
Báo The Nation Thailand dẫn lời Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) - ông Kriangkrai Thianukul cho biết rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến việc chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này.
Thái Lan cũng đang tỏ ra rất quyết tâm trong cuộc chạy đua này
Phát biểu sau một cuộc họp với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, ông Kriangkhrai cho biết lý do chính cho sự quan tâm này là đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều cơ sở sản xuất tại Trung Quốc phải đóng cửa, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghiệp. Do đó, nhiều công ty đang lên kế hoạch di dời khỏi Trung Quốc để giảm bớt rủi ro trong tương lai và đang hướng tới các quốc gia Đông Nam Á.
"Thái Lan nằm trong số các lựa chọn hàng đầu nhờ vào những cảng biển thuận lợi cho hoạt động logistic, cơ sở hạ tầng cơ bản dành cho các ngành công nghệ cao và có vị trí địa lý ở trung tâm khu vực", ông Kriangkhrai tự tin nói.
Bên cạnh đó, Thái Lan có giá nhân công rẻ và cách thức ứng phó dịch COVID-19 cũng đã chứng tỏ khả năng của Thái Lan trong xử lý khủng hoảng và giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.
Theo báo Nikkei Asia, chính phủ Thái Lan đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cần một cơ sở chế tạo mới trong khu vực thiết bị y tế. Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) đặt mục tiêu thành lập các liên doanh hoặc thuyết phục các công ty nước ngoài đặt cơ sở sản xuất thiết bị y tế ở Thái Lan.
Thái Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết bị y tế ASEAN (Nguồn Reuters)
Tờ Bangkok Post cho biết, BoI đang tập trung phát triển lĩnh vực thầu phụ để phục vụ cho những ngành công nghiệp mũi nhọn mới trong tương lai. Bước đầu, BoI sẽ tập trung vào khu vực hàng không vũ trụ, thiết bị y tế, xe ô tô điện, điện tử thông minh và hệ thống đường sắt. Cơ quan này đã thực hiện thành công một số chương trình hỗ trợ các nhà lắp ráp và chế tạo nước ngoài đặt các phụ tùng và bộ phận cấu thành chất lượng cao từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Lan.
Dự kiến, hội chợ thương mại Subcon Thailand, một sự kiện thầu phụ công nghiệp quốc tế lớn nhất Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ 23-26/9 tại Bangkok để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và tạo ra giá trị 12 tỉ Baht (gần 400 triệu USD) từ 8.000 cuộc gặp gỡ kinh doanh.
Đây cũng là lần đầu tiên sự kiện này tập trung vào ngành thiết bị y tế. Theo ông Suthiket Thatpitak-Kul, quan chức phụ trách thúc đẩy đầu tư vào các ngành sinh học và y tế của BoI, Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu phát triển đất nước thành một trung tâm thiết bị y tế của ASEAN.
Malaysia
Còn tại Malaysia, Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế nước này đang hướng sự tập trung tới các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á.
"Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư Nhật Bản chọn Malaysia làm điểm đến đầu tư mới", Bộ trưởng Datuk Seri Mohamed Azmin Ali cho biết
Ông này bày tỏ tin tưởng rằng, Malaysia có thể cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tốt nhất, sự ổn định về chính trị và lực lượng lao động tay nghề cao cho các doanh nghiệp muốn đầu tư tại đây.
Malaysia cố gắng thu hút các doanh nghiệp từ Nhật Bản (Nguồn Reuters)
Hiện chính phủ Malaysia đang tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, có thể tạo ra cơ hội việc làm tốt hơn cho người dân địa phương, đồng thời không phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài.
Đại sứ Nhật Bản tại Malaysia Hiroshi Oka nhận định, Malaysia hiện sở hữu nhiều lợi thế trong việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên theo ông Oka, để thu hút thêm luồng vốn đầu tư, chính phủ Malaysia cần đẩy mạnh hơn nữa các ưu đãi về thuế, bên cạnh các ưu đãi khác doanh cho doanh nghiệp nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!