Trả mặt bằng, đóng cửa vì thu không đủ chi
Vừa trở lại kinh doanh không được bao lâu, dịch COVID-19 tái bùng phát thời gian gần đây và diễn biến còn phức tạp hơn khiến nhiều hộ kinh doanh tại Hà Nội một lần nữa chịu nhiều ảnh hưởng và lâm vào tình trạng khó khăn.
Trong đó, ảnh hưởng nặng nề và rõ nhất chính là các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thời trang...
Theo khảo sát của phóng viên, tại các tuyến phố kinh doanh được cho là sầm uất, nhộn nhịp nhất của Hà Nội như: Kim Mã, Cầu Giấy, Hàng Bông, Bà Triệu, Mã Mây, Triệu Việt Vương… thì nay cũng trở nên vắng vẻ, đìu hiu.
Nhiều chủ cửa hàng không duy trì nổi đã phải treo biển thanh lý sản phẩm, trả mặt bằng kinh doanh và đóng cửa hàng.
Nhiều cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội đã phải đóng cửa do dịch COVID-19.
Theo chị Nguyễn Thị Anh Thư – chủ một cửa hàng thời trang trên đường Kim Mã (Hà Nội), ảnh hưởng của dịch COVID-19 suốt một thời gian dài khiến hoạt động kinh doanh của chị gặp nhiều khó khăn. Cứ bán được thời gian ngắn là lại bùng dịch nên nguồn thu không thể bù lại được chi phí, vốn cũng từ đó mà giảm dần. Đến bây giờ thì không thể kham nổi được nên đành phải chấp nhận đóng cửa.
"Lúc đầu vẫn còn vốn nên tôi có thể kham được tiền cửa hàng, nhân viên, nhưng dịch dã kéo dài, thu không đủ chi nên hiện tại đã cạn vốn. Dần dần không thể duy trì được nên buộc phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh chờ thời gian tới xem sao" – chị Anh Thư chia sẻ.
Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như chị Thư, anh Lê Văn Vinh chủ của nhiều cửa hàng ăn uống, homestay, khách sạn ở khu vực phố cổ (Hà Nội) cho biết, nguồn khách của anh chủ yếu là du lịch và người nước ngoài. Nhưng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên lượng khách cũng ít dần đi và đến bây giờ thì các khách sạn, homestay gần như không có khách. Vì vậy, vừa rồi anh đã phải trả mặt bằng kinh doanh, đóng bớt các cửa hàng ăn uống để đảm bảo tài chính.
"Hiện tôi chỉ còn duy trì một khách sạn và nhà hàng trên đất của gia đình ở Hàng Giấy còn các chỗ khác đã phải đóng cửa vì không kham nổi các chi phí mặt bằng, nhân viên" – anh Vinh buồn bã nói.
Hay như chị Nguyễn Thị Tâm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), dù chỉ là kinh doanh cà phê và đồ uống tại một cửa hàng nhỏ trên phố Nguyễn Hữu Huân, nhưng dịch COVID-19 bùng phát cũng khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Chị Tâm chia sẻ: "Dù chỉ là hộ kinh doanh nhỏ và mặt hàng chính là đồ uống nhưng việc dịch COVID-19 bùng phát cũng ảnh hưởng không nhỏ. Số lượng khách đến uống trực tiếp thời gian trước khi có yêu cầu tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ của UBND TP Hà Nội chỉ bằng 30% so với bình thường. Nay lại chỉ được bán mang về nên càng ít, cả ngày được 5-7 cốc. Nếu cứ tiếp tục như vậy chắc cũng phải đóng cửa tạm dừng chờ dịch được khống chế".
Chuyển đổi hướng kinh doanh và cách bán hàng
Trong khi nhiều chủ kinh doanh phải đóng cửa do không chịu được chi phí duy trì hàng tháng, một số cửa hàng vẫn còn khả năng "bám trụ" đang tìm cách xoay xở đổi hướng kinh doanh, bán hàng hay giảm tải chi phí chờ qua dịch.
Anh Nguyễn Hải Anh – chủ tiệm phở (phố Tô Hiệu, Hà Nội) cho biết, dịch khiến mọi người không được tụ tập đông người và tiếp xúc gần nên việc kinh doanh ảnh hưởng rất nhiều.
"Cửa hàng tôi bán phở mà không cho ăn tại chỗ thì thật khó khăn, nhưng quy định của TP đã đưa ra thì phải tuân thủ chứ không biết làm thế nào. Cũng may là nhờ lượng khách đã ổn định nên trong thời gian này tôi vẫn có thể duy trì bằng cách bán mang về. Tuy lượng khách chưa bằng một nửa so với bình thường nhưng bán được là tốt vì có tiền duy trì hàng tháng" – anh Hải Anh bày tỏ.
Cũng theo anh Hải Anh, bây giờ dịch bệnh, lại nắng nóng nên mọi người cũng ngại ra đường mà ưu tiên mua hàng qua ứng dụng đặt đồ ăn để được giao tận nhà, vì vậy, việc bán hàng cũng bớt khó khăn.
Trong khi đó, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh thời trang lại chọn phương án là trả mặt bằng kinh doanh và chuyển qua bán online.
Chị Nguyễn Vân Anh – chủ một cửa hàng quần áo trên đường Kim Mã (Hà Nội) cho hay: "Trước kia không có dịch thì tôi vừa mở cửa hàng vừa bán online để tăng lượng khách, doanh thu. Nhưng giờ vướng dịch COVID-19 nên tôi chỉ bán online, còn cửa hàng thì trả lại để giảm chi phí. Tuy lượng khách có giảm, nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu".
Giống như chị Vân Anh, chị Nguyễn Thị Linh – chủ một shop thời trang sinh viên tại đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cho biết: "Bây giờ với sự phát triển của mạng xã hội, công nghệ nên dù không còn cửa hàng thì tôi vẫn có thể duy trì việc bán hàng mỗi ngày nhờ việc livestream sản phẩm. Lúc đầu chưa quen, nhưng làm nhiều rồi cũng thành thạo. Thời gian mới bán online thì chủ yếu là những khách quen, sau đó, tôi nhờ các đơn vị quảng cáo, cộng với giảm giá để tìm kiếm nguồn khách hàng mới".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!