Đồng Nai: Phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nông thôn

Vũ Hoàn - Duy Tuấn-Thứ bảy, ngày 21/01/2023 17:02 GMT+7

VTV.vn - Địa phương đang đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm tra thực tế nhằm xây dựng cơ chế tốt nhất để vừa có thể hỗ trợ nhà đầu tư cũng như đảm bảo quy định của pháp luật.

Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai luôn được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trên nhiều lĩnh vực từ du lịch sinh thái đến du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, hội nghị... Nông nghiệp gắn kết du lịch đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chổ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường.

Thời gian gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… tại Đồng Nai đang là những mục tiêu phát triển quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Đây cũng là xu hướng để Đồng Nai hướng tới xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch tại các địa phương. Mục tiêu này cũng được xác định tại Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Trong đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch mua sắm gắn kết các sản phẩm được công nhận OCOP với các điểm du lịch, vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa quảng bá, xây dựng thương hiệu cho nông sản Đồng Nai trong lĩnh vực du lịch, thương mại.

Anh Phạm Văn Tài (ấp Phú Quý 2, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) - đại diện nhóm đầu tư cơ sở du lịch – nông nghiệp Lưng Chừng Mây chia sẻ: "Là người dân địa phương, tôi cùng một số bạn bè ban đầu tập trung làm nông nghiệp, tuy nhiên, nhận thấy kinh tế dựa trên một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù Định Quán như chuối, xoài… trong giai đoạn vừa qua khá là bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan nên đã cố gắng tìm hướng đi mới nhằm tạo một điểm nhấn cho địa phương cũng như đột phá về phát triển kinh tế. Tận dụng cảnh quan địa phương, chúng tôi đã đồng lòng cùng xây dựng nên cơ sở này".

Đồng Nai: Phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nông thôn - Ảnh 2.
Đồng Nai: Phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nông thôn - Ảnh 3.
Đồng Nai: Phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nông thôn - Ảnh 4.

Một số hình ảnh khu cafe - du lịch nông nghiệp Lưng Chừng Mây

Anh Trần Thiên Phú (36 tuổi, trú tại xã La Ngà, huyện Định Quán) - chủ cơ sở du lịch Tropical Eglamping và Panorama Glamping chia sẻ: "Du lịch, trải nghiệm nhiều nơi khiến tôi có đánh giá rất cao về mô hình glamping (mô hình cắm trại tiện nghi) và ấp ủ xây dựng nên một khu du lịch dựa trên mô hình này. Khi quay về lại địa phương, nhận thấy cảnh quan phù hợp và chưa được khai thác, tôi đã quyết định khởi nghiệp ngay trên quê hương mình. Là vùng đất nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào yếu tố mùa màng, doanh thu trên đất không cao, tôi luôn cố gắng kết hợp mô hình du lịch với sản xuất nông nghiệp, để có thể khai thác được song song hai ngành mũi nhọn, tạo hướng đi mới cho nền kinh tế tỉnh nhà".

Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là hành lang pháp lý trong việc cấp phép xây dựng, hoạt động cho các cơ sở du lịch tồn tại trên diện tích đất nông nghiệp. Trong khi đó, mô hình này đã được tạo điều kiện triển khai thành công tại một số tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Đồng Nai: Phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nông thôn - Ảnh 5.
Đồng Nai: Phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nông thôn - Ảnh 6.
Đồng Nai: Phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nông thôn - Ảnh 7.
Đồng Nai: Phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nông thôn - Ảnh 8.

Khu tổ hợp Tropical eGlamping và Panorama Glamping

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã La Ngà cho biết: "Những mô hình phát triển du lịch trải nghiệm về nông nghiệp rất có triển vọng cũng như tốt cho địa phương, tuy nhiên việc thực hiện còn nhiều khó khăn do các cơ chế về đất đai, xây dựng, môi trường… Hiện nay, ven lòng hồ Trị An có trên 700ha đất quy hoạch thương mại - dịch vụ, nhưng hiện vẫn chưa có quyết định cụ thể về thời gian chuyển đổi quy hoạch đất. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế để có các báo cáo lên UBND huyện, UBND tỉnh cùng các ngành liên quan để có hướng dẫn cụ thể cho người dân phát triển du lịch địa phương theo hướng đúng đắn nhất".

Đồng Nai: Phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nông thôn - Ảnh 9.

Huyện Định Quán sẽ tiến hành khảo sát thực tế để sớm có cơ chế cho những cơ sở du lịch nông nghiệp

Ông Trần Nam Biên - Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: "Trong thời gian qua, huyện Định Quán chủ trương phát triển các loại hình du lịch trong đó có du lịch nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm gắn liền với đặc trưng của địa phương.  Những khu du lịch hiện nay tại địa phương rất phù hợp với xu thế hiện nay, thu hút rất nhiều du khách. Tuy nhiên, loại hình này còn mới và liên quan đến công tác quản lý trong nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, môi trường… do phải xây dựng một số công trình tạm như khu vệ sinh, điểm dừng chân cho khách, canteen, bãi đậu xe… Để phát triển loại hình du lịch này, chúng ta phải có một quan điểm nhất quán về vấn đề này ví du như phải xây dựng nhưng với quy mô như thế nào, vật liệu gì, phải có tỉ lệ diện tích nhất định… Hiện nay huyện vẫn đang nghiên cứu, đồng thời học tập kinh nghiệm từ các tỉnh bạn như Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu - những địa phương đang phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch này, để có định hướng thực hiện và quản lý, đồng thời sẽ xin ý kiến của tỉnh để triển khai các mô hình này một cách tốt nhất, để có thể hỗ trợ nhà đầu tư cũng như đảm bảo quy định của pháp luật”.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới, đặc biệt là hạ tầng, tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề nông lâm ngư nghiệp truyền thống ở nước ta. Ngược lại, du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững do không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước