Bức tranh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Đông Nam Á đã chứng kiến nhiều xáo động suốt hai năm qua. Năm 2022, cam kết vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN tăng kỷ lục, lên tới 224 tỷ USD. Thế nhưng, năm 2023 đã có sự thay đổi lớn khi dòng vốn này giảm tới 16%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, các chuyên gia dự báo dòng vốn FDI rót vào ASEAN sẽ tiếp tục biến động trong năm nay.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, các quốc gia đang nỗ lực thu hút FDI công nghệ cao vào các ngành như xe điện, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Theo Ban Thư ký ASEAN, xe điện, trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đang là 3 lĩnh vực chính thu hút dòng vốn FDI công nghệ cao vào khu vực. Đáng chú ý, vốn FDI vào sản xuất pin xe điện đã tăng tới 656% trong năm 2022.
Các nước ASEAN đang thực hiện nhiều chính sách miễn/giảm thuế, lệ phí trước bạ, trợ cấp tiền mặt với xe điện lắp ráp hoặc nhập khẩu nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến nay, Thái Lan đã thu hút 4,1 tỷ USD vốn đầu tư sản xuất xe điện từ Honda, Toyota. Indonesia công bố kế hoạch tham vọng: sản xuất khoảng 600.000 xe điện vào năm 2030 - gấp hơn 100 lần số lượng bán ra trong nửa đầu năm 2023.
Bà Yun Liu - Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC nhận định: "Cuộc cạnh tranh dẫn đầu mảng xe điện đang rất nóng tại Đông Nam Á. Indonesia sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ về Nickel sản xuất pin xe điện còn Thái Lan có ngành công nghiệp sản xuất ô tô rất lớn. Do vậy, việc chuyển đổi sản xuất xe điện với 2 nước này dễ dàng hơn. Nhưng Malaysia cũng vừa ghi điểm khi Tesla tuyên bố đặt trụ sở chính cung cấp hạ tầng sạc của khu vực tại đây. Việt Nam cũng đã có hãng xe điện riêng, thậm chí phân phối tại nhiều thị trường quốc tế".
Nếu như trước đây, Đông Nam Á được coi là "vùng trũng" về công nghệ nhưng nay khu vực đang nhanh chóng nổi lên như tâm điểm trong làn sóng đầu tư vào trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (A.I).
Dân số trẻ khu vực ưu thích dịch vụ phát video trực tuyến (livestream), mua sắm online và ứng A.I tạo sinh nên việc cần các trung tâm dữ liệu mới là cấp thiết.
Bà Yun Liu - Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC cho biết: "Malaysia đang là cái tên nổi bật nhất. Khu công nghiệp Penang của nước này đang là trung tâm sản xuất điện tử, bán dẫn lớn. Việc thu hút hàng tỷ USD mở thêm các trung tâm dữ liệu từ các tập đoàn lớn sẽ là dễ dàng hơn. Nhưng cơ hội đang chia đều cho Thái Lan, Indonesia và Việt Nam nhờ hạ tầng kết nối ngày một phát triển".
Dự báo nhu cầu trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á và Bắc Á tăng khoảng 25%/năm. Theo tính toán, các công ty lớn nhất thế giới như Apple, Microsoft dự kiến sẽ đầu tư tới 60 tỉ USD vào ASEAN thời gian tới để xây thêm các trung tâm dữ liệu hỗ trợ điện toán đám mây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!