Khu vực Đông Nam Á đang đi chệch hướng trong đầu tư xanh và cần các chính sách, cơ chế tài chính mới để thu hẹp khoảng cách cũng như khơi thông nguồn vốn quan trọng này. Đó là thông tin từ báo cáo mới nhất của công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company, Temasek và Ngân hàng Standard Chartered.
Báo cáo thường niên Kinh tế xanh khu vực Đông Nam Á 2024 chỉ ra, vốn đầu tư xanh ở khu vực đã tăng 20% vào năm 2023 sau hai năm suy giảm liên tiếp.
Tính từ năm 2021 đến nay, đã có 45 tỉ USD đầu tư xanh tích lũy từ cả khu vực công lẫn tư. Song con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 1.500 tỷ USD cần huy động.
Năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, vẫn là lĩnh vực thu hút phần lớn lượng vốn xanh trong năm 2023.
Bà Tracy Wong Harris - Giám đốc Tài chính Bền vững châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: "Việc mở rộng quy mô vốn đầu tư xanh ở Đông Nam Á đang đối mặt với 5 thách thức. Trong đó, thách thức về tiếp cận nguồn tài chính đáng nói hơn cả, bởi thiếu cơ chế hỗ trợ dẫn đến tỷ suất rủi ro/lợi nhuận vẫn cao cho nhà đầu tư tư nhân".
Để đẩy nhanh tốc độ khử carbon, báo cáo xác định 13 cơ hội đầu tư để có thể tạo ra thêm 150 tỉ USD doanh thu hàng năm vào năm 2030. Trong đó tập trung đầu tư cho các nhà máy năng lượng tái tạo quy mô lớn, nông nghiệp bền vững và các công trình xây dựng xanh.
Bà Tracy Wong Harris cho biết thêm: "Một trong những biện pháp giúp khơi thông dòng vốn xanh từ khu vực tư nhân được khuyến nghị với Đông Nam Á là sử dụng cấu trúc đổi mới tài chính, ví dụ như huy động qua cơ chế tài chính hỗn hợp. Trong đó các quỹ hay nguồn lực xúc tác giữ vai trò quan trọng. Nó sẽ giúp tăng tốc mở khóa nguồn đầu tư xanh để thu hút nguồn vốn ưu đãi hay vốn thương mại. Ví dụ như 1 đồng vốn từ quỹ xúc tác có thể huy động tới 10 đồng vốn tư nhân".
Báo cáo cũng ghi nhận chỉ 4 trong số 10 quốc gia khu vực, gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam đạt được tiến bộ trong việc định giá khí thải carbon.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!