Dòng vốn nước ngoài tạm thời "chạy trốn" khỏi thị trường cổ phiếu

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 14/08/2019 16:19 GMT+7

VTV.vn - Giữa những căng thẳng của câu chuyện thương mại thế giới, 4,5 tỷ USD vốn ngoại rút khỏi thị trường cổ phiếu châu Á chỉ trong tuần đầu tháng 8.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng trên HSX khoảng 1.300 tỷ đồng trong hơn 10 ngày qua. Nhìn nhận thế nào về sự "chạy trốn" của dòng vốn đầu tư? Phóng viên Hoàng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Tsuyoshi Imai - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Nhật Bản.

4,5 tỷ USD đã rút khỏi thị trường cổ phiếu châu Á chỉ trong tuần đầu tháng 8, dòng tiền này đi đâu và liệu đây có là dấu hiệu đáng lo cho thị trường Việt Nam?

Ông Tsuyoshi Imai: Có nhiều nhà đầu tư nghe tin này cũng hỏi tôi là tiền chạy đi đâu thế, tận 4,5 tỷ USD. Nhưng hãy hiểu rằng dòng tiền đầu tư không bao giờ ngủ, nó tránh rủi ro và tìm đến lợi nhuận. Đây là sự chuyển động hoàn toàn bình thường, sự chạy trốn mang tính tạm thời thôi do cuộc chiến thương mại có phần căng thẳng giữa Mỹ và Trung. Dòng tiền rút từ kênh cổ phiếu đổ vào các tài sản an toàn, vào vàng một phần nhưng phần nhiều vào trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Ta có thể thấy lợi suất trái phiếu này giảm mạnh thế nào và khoảng cách với đường lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm là rất hẹp. Tuy nhiên, tôi nghĩ hiện tượng đường cong trái phiếu đảo ngược hay các rủi ro về suy thoái kinh tế sẽ chưa xảy ra.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng thị trường Việt Nam lúc này và chúng ta có thể kỳ vọng gì trong giai đoạn cuối năm 2019?

Ông Tsuyoshi Imai: Đừng lo dòng tiền sẽ đi hẳn khỏi Việt Nam, các nhà đầu tư vẫn trao đổi với tôi rằng họ vẫn có tự tin lớn vào thị trường Việt Nam kể cả trong ngắn hạn hay dài hạn bởi đầu tư vào Việt Nam có nghĩa là đầu tư vào nền kinh tế. 10 năm qua, GDP bình quân Việt Nam luôn tăng trên 6%, trừ Trung Quốc 10 năm qua tôi chưa thấy thị trường nào tăng được như vậy. Lạm phát cũng đang được Ngân hàng trung ương kiểm soát tốt. Tình hình thế giới bất lợi thì lúc này các nhà đầu tư ngắn hạn có thể "án binh bất động" để chờ đợi thêm các thông tin rõ ràng từ câu chuyện thế giới, còn nếu bạn đầu tư dài hạn thì mọi chuyện vẫn rất sáng sủa. Không như vậy thì tôi đã chả ngồi đây (cười).

Rõ ràng là tin vui khi biết nhà đầu tư quốc tế vẫn có nhiều niềm tin vào thị trường Việt Nam, nhưng điều gì có thể cần cải thiện để thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn nữa?

Ông Tsuyoshi Imai: Gần đây tôi có trao đổi với quản lý nhiều quỹ hưu trí lớn tại Mỹ. Họ rất muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng không được vì Việt Nam là thị trường cận biên theo MSCI. Mà tiêu chuẩn là họ chỉ được đầu tư vào thị trường mới nổi. Theo kịch bản tốt, ta có thể hy vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng trong khoảng 2 năm tới. Nếu điều đó xảy ra, VN-Index sẽ tăng theo chiều thẳng đứng và rất, rất nhiều tiền sẽ đổ vào. Tuy nhiên còn nhiều điều phải cải thiện để thị trường này được nâng hạng. Đặc biệt là câu chuyện nới room ngoại, nhất là các cổ phiếu trong VN30. Món có ngon mà để chờ lâu quá thì tôi sợ rằng nhiều nhà đầu tư cũng sẽ chán ăn.

Xin cảm ơn ông đã trao đổi cùng VTV24.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước