Nhiều thành viên của Fed đã bắt đầu yêu cầu những dữ liệu cụ thể hơn về sự hạ nhiệt của lạm phát hoặc dấu hiệu suy yếu của thị trường lao động trước khi quyết định tiếp tục giảm lãi suất. Thậm chí, một số khái niệm đang được thảo luận đó là "lãi suất trung lập"- tức là một mức lãi suất không kìm hãm nền kinh tế, song cũng không thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.
Phải nhắc đến chính sách thuế quan mà chính quyền dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể thực hiện vào năm sau. Đây là một yếu tố mà Fed cần quan sát khi thực hiện chính sách lãi suất. Khi Mỹ áp thuế lên các hàng hoá nhập khẩu, giá cả của các loại mặt hàng, chi phí tại thị trường Mỹ được dự báo là sẽ tăng lên và có thể sẽ tạo ra một áp lực đối với túi tiền của người tiêu dùng ngay tại Mỹ.
Theo quan sát, nếu các cảnh báo thuế quan của phía Mỹ có hiệu lực, từ ô tô cho đến hoa quả, mặt hàng nào nhập khẩu vào Mỹ cũng sẽ tăng giá.
Nước Mỹ hiện nhập khẩu nhiều mặt hàng từ các nước láng giềng, bao gồm cả nông sản tươi - Ảnh: AFP
Năm ngoái, cứ 4 chiếc ô tô bán ra tại Mỹ thì có một cái là đến từ Mexico hoặc Canada, hai đối tác thương mại đang bị phía Mỹ cảnh báo sẽ áp thuế. Với giá trị thương mại của ngành ô tô lên tới hàng trăm tỷ USD, tác động của việc đánh thuế sẽ là không nhỏ. Trong khi đó, hơn 60% lượng rau củ quả nhập khẩu vào Mỹ có nguồn gốc xuất xứ từ Mexico.
Và không thể không nhắc tới mặt hàng dầu mỏ. Canada là đối tác cung cấp tới 60% lượng dầu thô nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2023. Nếu mặt hàng này bị áp thuế, giá xăng dầu năng lượng tại Mỹ cũng sẽ đứng trước rủi ro tăng giá.
Khi được phóng viên đài NBC hỏi về việc, liệu chính sách thuế quan mới có khiến giá cả chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng Mỹ tăng lên hay không, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã phát biểu rằng ông không thể đảm bảo được điều đó.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhận định: "Tôi không đảm bảo được điều gì cả. Nhưng hãy nhìn vào thời kỳ trước Covid-19, trong nhiệm kỳ đầu tiên của tôi. Chúng ta đã có một thời kỳ phát triển kinh tế rất mạnh mẽ. Tôi cũng đã thông qua rất nhiều chính sách áp thuế lên hàng hoá các nước nhập khẩu vào đây, chúng ta đã thu hồi được hàng trăm tỷ USD và cũng không xảy ra hiện tượng lạm phát".
Tuy vậy, một số nhà quan sát cho rằng, việc Tổng thống đắc cử của Mỹ không đảm bảo là giá cả sẽ đứng yên, cho thấy ông cũng nhận thấy tác động của thuế quan.
Ông Bill Barrow - Phóng viên kinh tế của Asssociated Press cho biết: "Khi còn là ứng cử viên, ông Trump đã cam kết chấm dứt lạm phát, giảm giá cả và xoa dịu áp lực ngân sách gia đình mà rất nhiều người Mỹ đã cảm nhận được từ sau đại dịch. Nhưng những phát biểu gần đây cho thấy, rất có thể chính sách thuế quan sẽ ảnh hưởng tới thị trường và tác động đến từng người tiêu dùng".
Nước Mỹ hiện nhập khẩu nhiều mặt hàng từ các nước láng giềng, bao gồm cả nông sản tươi. Do đó, giá cả tăng lên do thuế quan có thể khiến người tiêu dùng phải giảm chi tiêu, đồng thời giảm cơ hội việc làm cho người lao động. Khi áp dụng thuế quan, các nhà bán lẻ sẽ chuyển mức thuế đó vào giá hàng hoá tiêu dùng mặc dù ông Trump tuyên bố rằng, người dân Mỹ sẽ không phải trả mà thuế đó sẽ đánh vào xuất khẩu. Tuy vậy, kết quả rất có thể là lạm phát sẽ tăng nhiệt trở lại, lãi suất của Mỹ sẽ neo cao hơn và giảm chậm hơn vào năm sau.
Thực tế, chính Chủ tịch Fed ông Jerome Powell cũng cho rằng, Fed sẽ phải chờ xem diễn biến thực tế của chính sách thuế quan sẽ ra sao, để từ đó có thể điều chỉnh chính sách lãi suất. Vì thuế quan có thể làm tăng giá cả nhưng đồng thời cũng sẽ thu hẹp lợi nhuận của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường. Nói chung, thời điểm sau ngày 20/1 là lễ tuyên thệ của ông Donald Trump vào năm sau, sẽ là lúc mà thị trường thương mại toàn cầu bắt đầu dõi theo chặt chẽ hơn những thay đổi trong chính sách thuế quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!