Du lịch bước vào cuộc "đại tuyển dụng" trước làn sóng phục hồi

VTV Digital-Thứ tư, ngày 23/03/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Sau hai năm "đóng băng" vì dịch COVID-19, nhân sự du lịch hiện tại, vừa thiếu lại vừa yếu.

Du lịch đã chính thức mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3 vừa qua. Đây là một tin rất vui với ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo. Sau hai năm "đóng băng" vì dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã rời ngành, cơ sở vật chất các điểm lưu trú, khu vui chơi xuống cấp. Quan trọng nhất, nhân sự du lịch hiện tại, vừa thiếu lại vừa yếu. Thiếu là bởi hai năm qua, rất nhiều nhân sự đã bỏ việc, chuyển nghề.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, năm 2020, các doanh nghiệp du lịch phải cắt giảm từ 70 - 80% nhân sự. Năm 2021, lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30% con số đó.

Không chỉ thiếu, theo các doanh nghiệp, kỹ năng của nhân lực trong ngành cũng phần nào yếu đi sau hai năm hoạt động cầm chừng. Thế nên, tuyển dụng và đào tạo nhân sự là vấn đề hết sức quan trọng để chuẩn bị cho làn sóng du lịch phục hồi.

Du lịch bước vào cuộc đại tuyển dụng trước làn sóng phục hồi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.

Các doanh nghiệp du lịch ráo riết tuyển dụng nhân sự

Hai tháng nay, nhiều doanh nghiệp đã ráo riết tuyển dụng lại nhân sự để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế. Tuyển lại nhân sự cũ, mở rộng hút nhân sự mới, chấp nhận đào tạo nghề tại một số vị trí, đến nay, khách sạn Quân đội đã có đội ngũ khoảng 200 nhân sự.

Bà Trần Thị Thái Hà, Trưởng phòng Kinh doanh Tiếp thị, Khách sạn Quân đội, cho biết: "Để đón khách du lịch trong thời gian tới, khách sạn đã sẵn sàng phục vụ tối đa công suất với 100% nhân sự đã quay trở lại làm việc. Chúng tôi đã mở các lớp tập huấn về nâng cao nghiệp vụ, đào tạo ngoại ngữ tại chỗ cho nhân viên 2 buổi một tuần".

Còn khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi với đặc điểm đón khách quốc tế là chủ yếu nên nhân viên được tuyển dụng có yêu cầu đặc thù hơn là buộc phải biết tiếng Anh. Bên cạnh đó, vì là khách sạn 5 sao nên nhân sự phải được đào tạo dưới khung chuẩn toàn cầu.

Ông Anthony Slewka, Giám đốc Kinh doanh & Truyền thông, Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, nói: "Chúng tôi tuyển dụng lại các nhân sự đã có kinh nghiệm lâu năm làm việc, vị trí tuyển dụng là nhân viên buồng phòng. Đại diện Accord sẽ sang đào tạo theo kế hoạch 1 tháng/lần để đảm bảo chất lượng chuẩn 5 sao toàn cầu".

Không chỉ các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành cũng ráo riết hoàn thiện lại đội ngũ nhân sự. Ngoài các vị trí truyền thống, họ cũng đặc biệt tuyển dụng các vị trí am hiểu về công nghệ, nhằm phục vụ cho nhu cầu của du khách, vốn đã có nhiều sự thay đổi dưới tác động của dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, cho biết: "Chúng tôi bổ sung thêm nhân lực về mặt công nghệ để ứng dụng 4.0 để giúp du khách đăng ký trực tuyến, tương tác trực tuyến, trải nghiệm trực tuyến cho du khách".

Theo Hotel Job, website chuyên về tuyển dụng cho ngành du lịch, nhu cầu tuyển nhân sự trong ngành đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2022 và cũng gấp đôi so với cùng kỳ trước dịch CoOVID-19.

Tuyển dụng đã quan trọng, đào tạo nhân sự trong lĩnh vực du lịch càng quan trọng hơn bởi lẽ, theo các doanh nghiệp trong ngành, du lịch là ngành đặc thù đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cần thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đào tạo bằng thực tế trải nghiệm, có khi phải mất vài năm mới đào tạo được một lao động trở nên chuyên nghiệp. Đào tạo cũng không phải là câu chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp, mà là của cả ngành, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan. Thực tế, nhiều chính sách đã và đang được triển khai.

Du lịch bước vào cuộc đại tuyển dụng trước làn sóng phục hồi - Ảnh 2.

Nhiều hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nhân lực du lịch

Từ tháng 7/2021, Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được ban hành, trong đó, có chính sách về hỗ trợ đào tạo với mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người/tháng và thời gian tối đa là 6 tháng.

Theo đại diện Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, đây là sự hỗ trợ tài chính thiết thực với công tác đào nhân sự trong ngành và đề xuất kéo dài thời gian triển khai.

Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cho biết: "Thời điểm hỗ trợ này kết thúc là tháng 6/2022. Chúng tôi đề nghị được kéo dài thêm, ít nhất là hết năm nay và nếu có thể thì cho những năm tiếp theo nữa".

Mới nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 12 hướng dẫn mức chi từ ngân sách để xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Với nội dung dành cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, mức hỗ trợ với người tham gia khóa đào tạo nghề tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa.

Ông Nguyễn Trung Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: "Chính phủ và các bộ ngành liên quan cũng đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động quay trở lại, tổ chức triển khai chương trình đào tạo, đào tạo lại với người lao động để đảm bảo nguồn nhân lực".

Tổng cục Du lịch cũng cho biết, sẽ làm việc với các địa phương, khuyến khích các nơi có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Thực tế, nhiều địa phương thời gian qua cũng đã triển khai việc này.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói: "Ngoài cho vay với các lãi suất ưu đãi, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề có các kế hoạch để mở các lớp đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp".

Ngoài sự giúp đỡ của các địa phương, hiện nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đang liên kết với các trường đại học, vừa tuyển dụng nhân sự mới, vừa đào tạo lại, bổ sung các kỹ năng cho nhân sự cũ. Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra các cam kết về thu nhập, nhằm thu hút trở lại các lao động có tay nghề cao trong ngành.

Sự cạnh tranh của các điểm đến trên thế giới hậu COVID-19 là vô cùng khốc liệt bởi hầu như đại dịch đã đưa du lịch các nước về con số 0. Các chuyên gia cho rằng, du lịch Việt cần nâng "chất" bên cạnh việc tăng "lượng". Du lịch chất lượng cao không chỉ là ở khách sạn 5 sao mà còn phải được phục vụ bởi những người làm du lịch 5 sao. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp du lịch Việt hướng đến mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa trong năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước