Du lịch đang “nóng” lên: Làm gì để chung sống an toàn khi dịch bất ngờ trở lại?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 22/04/2021 06:27 GMT+7

VTV.vn - Du lịch bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian trầm lắng vì COVID-19. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, ngành du lịch cần có kịch bản ứng phó ra sao?

Sau những khủng hoảng và trầm lắng do dịch COVID-19 gây ra, hiện nay, trước tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, thị trường du lịch lại đang dần "nóng" trở lại.

Từ đầu tháng 3 đến nay, các điểm du lịch như: Quảng Ninh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết… bắt đầu nhộn nhịp trở lại.

Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch cho biết, thời điểm trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công suất hoạt động tại khách sạn đạt khoảng 10%. Tuy nhiên đến thời điểm này, công suất đã tăng lên khoảng 50 - 70% và dự báo con số này còn cao hơn trong dịp lễ tới. Các địa phương cũng bắt đầu dồn sức cho hoạt động quảng bá, kích cầu để không bỏ lỡ dịp cao điểm hè sắp tới gần.

Sôi động các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch

Với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm", Năm Du lịch Quốc gia 2021 - Hoa Lư vừa khai mạc tối qua (20/1) tại Ninh Bình. Tại đây sẽ có 38 hoạt động chính, điểm nhấn là lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An, lễ hội đền Thái Vi và Tuần Du lịch Ninh Bình Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An diễn ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.

Du lịch đang “nóng” lên: Làm gì để chung sống an toàn khi dịch bất ngờ trở lại? - Ảnh 1.

Từ đầu tháng 3 đến nay, các điểm du lịch như: Quảng Ninh, Quy Nhơn, Đà Nẵng… bắt đầu nhộn nhịp trở lại. (Ảnh: Dân trí)

Tại Quảng Ninh, Tuần Du lịch văn hóa Hạ Long 2021 sẽ là chương trình điểm nhấn, diễn ra từ 24/4 - 3/5. Dự kiến Quảng Ninh sẽ có gần 90 sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch.

Quảng Nam tiếp tục giảm 50% phí tham quan tại Đô thị cổ Hội An và một số điểm du lịch nổi tiếng. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ các đoàn du lịch MICE từ 100 khách trở lên có lưu trú tại Quảng Nam. Khoản kinh phí hao hụt do giảm 50% phí tham quan sẽ được bù bằng ngân sách.

Tại Khánh Hòa, bên cạnh chương trình "Nha Trang - Biển gọi", Khánh Hòa sẽ triển khai hơn 100 sự kiện văn hóa, thể thao từ nay đến hết năm, tương ứng với đó là những sản phẩm du lịch kích cầu theo từng giai đoạn.

Thanh Hóa cũng đã sẵn sàng cho mùa du lịch biển, tung ra nhiều gói dịch vụ du lịch với chất lượng tốt nhất nhằm thu hút du khách ngay trước thềm lễ mở cửa biển ngày 24/4 tới.

Đại dịch COVID-19 mang lại những khó khăn chưa từng có, nhưng cũng khiến ngành du lịch nhận ra chúng ta chưa đi bằng hai chân vững vàng, du lịch quốc tế và du lịch nội địa, cũng như chưa liên kết với nhau mạnh mẽ để tạo ra những sản phẩm tối ưu. Những yếu kém này đang từng bước được khắc phục, tạo ra sự thay đổi khá rõ ràng sau những đợt dịch vừa qua. Đặc biệt, phong trào liên kết giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp diễn ra sôi nổi chưa từng có.

Liên kết để kích cầu du lịch

Ghi nhận một công ty ở Nha Trang, chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm tại Nha Trang, lưu trú trong khách sạn 4 sao, giá trọn gói trước đây là 3,6 triệu đồng, hiện chỉ còn 2,6 triệu đồng. Để có được mức giá ưu đãi như vậy, những người làm lữ hành, lưu trú cũng như các đơn vị tại điểm đến đã liên kết để vừa tiết giảm chi phí, vừa tăng thêm sản phẩm du lịch đưa đến du khách.

"Thứ nhất là liên kết giữa những nhà cung ứng dịch vụ tại điểm đến với các địa phương. Thứ hai là liên kết giữa các hội du lịch, hội lữ hành để lan tỏa thông tin, truyền thông đến khách hàng", ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Khánh Hòa, cho biết.

Năm nay, chương trình kích cầu có nhiều đổi mới trong cách tổ chức thực hiện để sát với nhu cầu của du khách trong nước.

"Chúng tôi nhận thấy hiện nay các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tạo nên một sự kết nối, cộng các gói dịch vụ lại như: vận chuyển, lưu trú, lữ hành, khu điểm để họ kết nối thành gói chung, tạo tiếng nói chung", bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ.

Việt Nam đang đứng trước một thách đố, giữa một bên là nhu cầu mở cửa trở lại để đón du khách quốc tế, qua đó vực dậy ngành du lịch và bên kia là sự cần thiết phải tiếp tục ngăn chặn đại dịch.

Cách đây vài ngày, Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc vừa được tổ chức. Hơn 600 doanh nghiệp du lịch tham gia diễn đàn đã đưa ra những giải pháp cụ thể để khai thác thị trường du lịch nội địa được xem là chủ lực lúc này.

"Chúng tôi kiến nghị nên xây dựng một quỹ tài chính cho ngành du lịch, trực tiếp cho từng khách hàng nhằm kích cầu họ đi du lịch nhiều hơn nữa. Và khi chúng ta đi du lịch nhiều hơn trong giai đoạn này sẽ giúp thúc đẩy việc làm, tạo điều kiện cho người lao động", bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho hay.

Du lịch đang “nóng” lên: Làm gì để chung sống an toàn khi dịch bất ngờ trở lại? - Ảnh 2.

Khách du lịch phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Báo Đầu tư)

"Nhà nước hãy dành ra sự hỗ trợ để đào tạo lại nguồn nhân lực về du lịch nội địa, có thể ở mức độ vĩ mô - cho các giám đốc, ở mức độ vi mô - cho người dân, để họ có thể chuyển sang làm du lịch nội địa", ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nêu ý kiến.

"Dù là du lịch nội địa quy mô nhỏ nhưng phải chú ý đến công tác phòng chống dịch bệnh để hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng, ảnh hưởng chung đến kinh tế - xã hội của đất nước", ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh.

Cách đây ít ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã bắt đầu họp bàn về các phương án triển khai hộ chiếu vaccine. Nếu lộ trình suôn sẻ và Việt Nam có thể đón khách quốc tế từ tháng 7 như kế hoạch, thì sẽ là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành du lịch. Kỳ vọng đạt 80 triệu lượt khách du lịch nội địa cũng đang trên đà triển khai thuận lợi.

Tuy nhiên tất cả đều có thể thay đổi, có thể chúng ta sẽ trở lại vạch xuất phát nếu COVID-19 bùng phát trở lại, nhất là khi các nước láng giềng như: Thái Lan, Campuchia hay Malaysia đang hết sức căng thẳng vì dịch bệnh. Vì vậy, trong mỗi chuyến du lịch sắp tới, bạn có thể quên đồ đạc, quên lịch trình, nhưng đừng quên nguyên tắc 5K Bộ Y tế đã khuyến cáo. Đó chính là du lịch văn minh trong nhịp sống bình thường mới.

Xu hướng đi du lịch của người dân đang thay đổi như thế nào? Các doanh nghiệp du lịch cần hỗ trợ gì để vực dậy sau thời gian dài dịch bệnh? Ngành du lịch cần lên phương án ứng phó ra sao khi dịch bất ngờ xảy ra?

Câu trả lời phần nào sẽ có trong chương trình Vấn đề hôm nay (21/4), với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Du lịch nội địa: Động lực khôi phục du lịch Việt Nam mùa COVID-19 Du lịch nội địa: Động lực khôi phục du lịch Việt Nam mùa COVID-19

VTV.vn - Chiều 15/4, Diễn đàn du lịch nội địa toàn quốc đã diễn ra tại Ninh Bình với chủ đề "Du lịch nội địa - Động lực khôi phục Du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước