Tăng trưởng ngành du lịch, dịch vụ đạt mức cao
Các chỉ số kinh tế quý I được Tổng cục Thống kê công bố vừa qua cho thấy nền kinh tế đã chịu tác động mạnh bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này thể hiện rõ nét khi kim ngạch xuất nhập khẩu quý I giảm; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đều giảm.
Trong bối cảnh đó, quý I/2023, khu vực dịch vụ và tiêu dùng là điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung. Đây là tín hiệu phục hồi tích cực nhờ những chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và mở cửa nền kinh tế trở lại của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Tăng trưởng của một số ngành dịch vụ trong quý I đạt mức cao so với cùng kỳ năm trước như doanh thu du lịch lữ hành tăng tới gần 120%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng hơn 28%.
Du lịch, dịch vụ đóng góp tăng trưởng kinh tế
Các tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế nhận định, ngành dịch vụ, du lịch có thể đóng vai trò trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý II và cả năm nay.
Chỉ trong quý I, ngành du lịch Việt Nam đã đón 2,7 triệu khách quốc tế, tương đương 1/3 mục tiêu cả năm 2023. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch đang lên nhiều kế hoạch thu hút và tăng mức chi tiêu của du khách nước ngoài.
Du khách nước ngoài tham quan TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NLĐ)
"Chúng tôi xây dựng các sản phẩm có tính chiều sâu, gắn với trải nghiệm cho du khách. Có những tour 3 - 4 ngày, giờ được kéo dài 5 - 6 ngày, đồng nghĩa với việc chi trả cho chuyến đi đó cũng được tăng lên", ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho biết.
"Chúng tôi tin rằng năm 2023 chúng ta có thể chưa đạt được những kết quả như năm 2019, nhưng sẽ tiệm cận gần hơn đến con số đó theo tốc độ tăng trưởng như trong quý I", ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định.
Thời kỳ vàng son năm 2019, doanh thu từ du lịch đã từng đạt xấp xỉ 33 tỷ USD, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP. Với chính sách thị thực mới đang được Chính phủ trình Quốc hội, ngành du lịch đang đặt niềm tin vào sự bứt phá trong năm nay.
"Nếu chúng ta thu hút được lượng khách Trung Quốc quay trở lại Việt Nam có xu hướng ở lại dài ngày hơn, tiêu dùng nhiều hơn, thì du lịch hoàn toàn là một trụ cột của nền kinh tế vượt qua khó khăn trong năm nay", ông Đào Ngọc Thắng, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp, Khối Thị trường vốn và Dịch vụ Chứng khoán, Ngân hàng HSBC, đánh giá.
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, tổng thu dự kiến khoảng 650.000 tỷ đồng. Đây được kỳ vọng là trụ cột vững chắc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi dự báo tác động tiêu cực của thế giới còn kéo dài.
Nỗ lực bình ổn giá và kiềm chế lạm phát
Cùng với du lịch, thị trường tiêu dùng nội địa cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I ước tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ nỗ lực cân đối chi phí đầu vào và vận hành sản xuất, bình ổn giá cả hàng hóa.
Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát vẫn còn khi tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, yêu cầu phải có những giải pháp ổn định thị trường và kiềm chế lạm phát kịp thời trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán chi phí đầu vào tăng cao, gây áp lực lớn lên giá cả sản phẩm bán ra thị trường. Doanh nghiệp đang linh hoạt áp dụng mô hình kinh doanh đặt hàng trước - giao hàng sau, giúp tối ưu 15 - 20% chi phí vận hành trên mỗi đơn hàng.
"Chúng tôi phát triển trạm giao nhận theo hướng hợp tác tại các tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện hoặc các chuỗi cửa hàng tiện ích, từ đó tối ưu được chi phí vận hành và đưa ra được mức giá tốt nhất cho khách hàng", bà Hoàng Quỳnh Anh, Giám đốc Marketing, Công ty UBOFOOD, cho biết.
Chỉ số giá tiêu dùng quý I vừa qua tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022 do sự tăng giá từ nhóm nhà ở và vật liệu cũng như các dịch vụ thiết yếu như giá điện hay học phí giáo dục. Theo thống kê, CPI đã giảm dần qua từng tháng trong quý I và nếu so với thế giới, thì Việt Nam vẫn ở trong mức ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng quý I vừa qua tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung quý I ước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Với sự phục hồi của ngành du lịch, cùng nỗ lực bình ổn giá cả hàng hóa của các doanh nghiệp, dự kiến chỉ số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
"Tổng mức bán lẻ vẫn tăng cho thấy tổng cầu trong nước vẫn ổn định. Đây là động lực cho tăng trưởng kinh tế nước ta trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm", ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm còn nhiều yếu tố đan xen làm tăng, giảm áp lực lên mặt bằng giá. Nhiệm vụ trước mắt là cần thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả, cân đối cung cầu trong nước, nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5%.
"Nếu chúng ta muốn giữ CPI đạt 4,5% theo Quốc hội đề ra thì còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Vì thế cần điều hành thận trọng và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo cuộc sống của người dân cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay.
Nhiều tổ chức quốc tế vẫn giữ dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5%. Việc Việt Nam thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, song song với thúc đẩy tiêu dùng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để tăng trưởng kinh tế cả năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!