Tính đến tháng 4, hầu hết các công ty sản xuất tại Trung Quốc đã nối lại hoạt động nhưng lĩnh vực du lịch vẫn khó khăn chồng chất do người dân đại lục còn hạn chế đi lại kể từ khi dịch COVID19 bùng phát hồi cuối năm 2019.
"Năm 2019 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về cả lượng du khách nội địa và quốc tế, nhưng năm nay, bắt đầu từ tháng 1, người dân Trung Quốc đều trở về nhà đón Tết Nguyên đán. Nhiều khách phương Tây cũng về nước đón Giáng sinh từ trước. Sau đó, dịch bệnh bùng phát và cấm cửa mọi chuyến bay quốc tế" - bà Mei Zhang (Nhà sáng lập WildChina) cho hay.
Nhóm nữ du khách chụp ảnh tại một làng cổ nổi tiếng ở Bắc Kinh ngày 9/6. (Ảnh: AP)
Ước tính, các lệnh phong tỏa và cấm bay nghiêm ngặt được triển khai hồi tháng 2 đến tháng 4 có thể khiến ngành du lịch Trung Quốc thiệt hại ít nhất 1.000 tỷ Nhân dân tệ.
Đến đầu tháng 5, ngành công nghiệp không khói bắt đầu "ngấp nghé" việc phục hồi nhờ kỳ nghỉ lễ lao động kéo dài 5 ngày của Trung Quốc.
Ngày 1/5, các địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc chào đón hơn 23 triệu khách du lịch nội địa. Con số này vẫn còn rất thấp so với số lượng gần 70 triệu du khách mỗi ngày được ghi nhận trong kỳ nghỉ này năm 2019.
Đền Thiên Đường - một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Kinh. (Ảnh: CNN)
Khoảng 70% điểm du lịch tại đại lục mở cửa trở lại nhưng "niềm vui chưa tày gang" thì ngành du lịch Trung Quốc lại rơi vào "vòng xoáy mới" do lo ngại làn sóng COVID19 thứ hai.
Đợt bùng phát cả trăm ca nhiễm COVID19 mới chỉ trong vài ngày qua tại Bắc Kinh khiến nhiều người dè chừng việc bước chân lên máy bay, ô tô hay tàu hỏa hơn. Thủ đô Bắc Kinh cũng đã ngay lập tức hủy bỏ 1.255 chuyến bay đến và đi từ thành phố này.
Gần 60% người tiêu dùng Trung Quốc tham gia khảo sát của Boston Consulting Group cho biết họ lo ngại tình hình tài chính gia đình không dư giả cho những chuyến đi và giữ tâm lý thận trọng với việc đi lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!