Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Vẫn còn xung đột, chồng chéo pháp luật

VTV Digital-Thứ hai, ngày 05/06/2023 15:54 GMT+7

VTV.vn - Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn có những xung đột, chồng chéo pháp luật như quy định về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày tờ trình về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều ý kiến của các đại biểu đã tập trung góp ý vào một số nội dung như sự chồng chéo với các Luật hiện hành như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai hay góp ý về kế hoạch phát triển nhà ở như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân….

Mặc dù đánh giá cao những tiếp thu chỉnh lý thời gian qua của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn có những xung đột, chồng chéo pháp luật như quy định về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng.

"Nhà đầu tư là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã bao gồm cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có chức năng kinh doanh bất động sản nhận thấy chưa thống nhất với Khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020", bà Phạm Thị Huệ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Ông Trần Chí Cường - Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng băn khoăn: "Cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là có quyền sở hữu tôi nghĩ cần phải nghiên cứu lại kỹ. Hiện nay, khách đi du lịch thông thường tối đa visa là 90 ngày tại Việt Nam và cao nhất là 5 năm đối với nhà đầu tư, còn lao động có thể 2 - 3 năm tùy mục đích. Như vậy, cho người ta sở hữu nhà thì người ta có quyền ở Việt Nam hay không và nếu hết thời hạn visa họ có quyền ở tiếp tục nữa hay không".

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Vẫn còn xung đột, chồng chéo pháp luật - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn có những xung đột, chồng chéo pháp luật. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Ngoài ra các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về xây dựng nguồn tài chính cho phát triển nhà ở xã hội.

Bà Tạ Thị Yên - Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết: "Tôi ủng hộ việc ghi vào luật tăng quyền chủ động cho địa phương trong hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội. Vì chỉ khi đó đối tượng nhà ở xã hội mới có thể tiếp cận hay lựa chọn được nhà ở với diện tích và giá cả hợp lý".

"Nên thiết kế lại điều luật theo hướng Nhà nước có trách nhiệm đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất sạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho khu vực nhà ở xã hội. Sau này khi chúng ta làm hạ tầng sạch chỉ định chủ đầu tư làm nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch đã được phê quyệt", ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội tại các đô thị có nhiều khu cụm công nghiệp quy mô lớn để các doanh nghiệp đóng góp vào quỹ này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước