Đưa phát thải ròng về 0 mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Hòa An-Thứ ba, ngày 11/10/2022 19:04 GMT+7

VTV.vn - Đưa phát thải ròng về 0 mang đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam như nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh.

Một dòng chảy mạnh mẽ gồm các cơ quan quản lý, chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước đang nỗ lực hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ tại COP26 về Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nhiều thông tin và giải pháp để trợ lực cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất bền vững, tiếp cận được nguồn tín dụng xanh đã được đưa ra tại Hội thảo "Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội.

Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự chuyển đổi này phù hợp với xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính ngày càng khắt khe hơn.

Đưa phát thải ròng về 0 mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Đưa phát thải ròng về 0 là một yêu cầu cấp thiết trên thế giới, đem đến thách thức nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Tại châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế khác, các hàng rào thuế quan để kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời khuyến khích quá trình khử carbon trong sản xuất trong nước", ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đến ngày 30/6 năm nay mới đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều giải pháp hơn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.

"Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cấp tín dụng xanh; ban hành Thông tư quản lý rủi ro về môi trường và xã hội theo các nhiệm vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được giao tại Luật Bảo vệ môi trường cũng như Nghị định 08 về hướng dẫn triển khai một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ triển khai nhiệm vụ này sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục về phân loại xanh", bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh.

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ phát triển xanh từ ngân hàng, huy động vốn từ trái phiếu xanh cũng là một giải pháp khá phổ biến của doanh nghiệp trên thế giới.

Theo giới chuyên môn, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6, tăng gấp 3 lần sau 3 năm kể từ cuối năm 2019. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn dài hạn này để đầu tư đổi mới khoa học, công nghệ chuyển sang sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm Việt xuất khẩu thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước