NIC khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo
Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đồng thời là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về Đổi mới sáng tạo trong thập kỷ vừa qua.
Năm 2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thành lập với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ. Sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa đổi mới sáng tạo trở thành một trong các động lực tăng trưởng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Mới 5 năm, nhưng đã làm được rất nhiều việc. Một là hình thành thể chế, cơ sở vật chất. Đến nay, đã hình thành được hai cơ sở, với 9 ngành công nghệ ở đây, ưu tiên lựa chọn ngành công nghệ mũi nhọn. Quan trọng nhất là chúng ta không chờ đợi, khi chúng ta xây dựng cơ sở vật chất thì chúng ta vẫn tổ chức các hoạt động liên quan đến đổi mới sáng tạo: hội thảo, hội nghị, tư vấn, hỗ trợ... Sau này, chúng tôi mới thấy có những đặc thù rất hay, đó là trên thế giới có rất nhiều trung tâm, nhưng đều là của công ty, tập đoàn tư nhân, mà lại chưa có cái nào là của Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, quản lý và phục vụ lợi ích của Nhà nước. Đây là trung tâm đầu tiên trên thế giới".
Theo ông Dũng, trước hết phải hình thành cơ chế chính sách đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Làm sao vận hành nó một cách tốt nhất theo chuẩn mực của quốc tế. Thứ hai, cơ sở vật chất cũng phải phát triển như các cơ sở nghiên cứu, các phòng lab.
"Thách thức còn lớn, sứ mệnh đặt trên vai còn rất nặng nề, làm sao chúng ta phải trở thành một trung tâm hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, kết nối được với các trung tâm trong nước và các trung tâm nước ngoài, là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, viện trường trong quá trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm. Làm sao Việt Nam phải trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
NIC khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo
Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam
Thực tế, trong suốt 5 năm qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Ví dụ hỗ trợ về không gian làm việc, giảm, miễn phí thuê mặt bằng; đơn giản hoá thủ tục cho các hoạt động khởi nghiệp; kết nối, huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, các nguồn lực sẽ được huy động thêm, phục vụ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Đây là một thiết bị phát wifi, nhưng điểm đặc biệt của nó là được thiết kế thêm một lớp bảo vệ, lớp màng lọc, đảm bảo người dùng sẽ không bị kết nối với trang web, đường link xấu độc, giả mạo hay chứa virus. Sản phẩm được SCS - một startup Việt Nam đưa ra thị trường chỉ cách đây hơn một năm. Với một doanh nghiệp non trẻ, việc được kết nối để học hỏi là một điều rất quan trọng.
Ông Vũ Thanh Thắng - Sáng lập Công ty SCS chia sẻ: "Kết nối của NIC trên cả tuyệt vời. Thứ nhất, đó là mạng lưới của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, đây là yếu tố rất tốt. Nếu chúng ta làm việc trong một môi trường có nhiều doanh nghiệp làm việc trong cùng lĩnh vực thì sẽ có các trao đổi rất hiệu quả. Thứ hai nữa là kết nối giữa chúng tôi với chính sách của Chính phủ".
Còn với Cypeace, một startup trong lĩnh vực an ninh mạng, thành lập được hơn một năm, nhân lực cũng chỉ có vỏn vẹn hơn chục người, thật khó để thuê một mặt bằng tốt bên ngoài. Thế nhưng, doanh nghiệp đã được hỗ trợ để đặt trụ sở tại cơ sở của NIC, giá thuê cũng chỉ rẻ bằng một nửa.
Bà Đinh Thị Thu Hoài - Phó giám đốc Công ty Cypeace nêu ý kiến: "Chúng tôi được hỗ trợ một không gian làm việc rất hiện đại, với nhiều phòng chức năng, như khu vực làm việc, các phòng họp với quy mô khách nhau, phòng hội thảo lớn, khu trưng bày, triển lãm và trải nghiệm các công nghệ mới. Nếu một công ty ở địa điểm khác mà chúng tôi tự phải setup thì không bao giờ có điều kiện như thế được".
Việt Nam hiện xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Đưa Việt Nam có tên trên bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu
Thời gian tới, các nguồn lực sẽ được huy động thêm phục vụ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Ông Vũ Xuân Huy - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhận định: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu, phối hợp với các Bộ ngành để có thể xây dựng và hình thành sớm nhất một Quỹ hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Quỹ này phải gắn với một cơ chế chính sách đặc thù, thuận lợi để huy động được các nguồn lực từ trong và ngoài nước".
Đến nay, NIC đang làm việc với hơn 200 quỹ đầu tư trên toàn thế giới, để tìm kiếm dòng vốn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
NIC cũng đang từng bước đưa Việt Nam có tên trên bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu. Một mạng lưới đổi mới sáng tạo cũng đang được mở rộng từng ngày, quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học người Việt tiêu biểu trên toàn cầu. Từ 100 thành viên vào năm 2018, đến nay đã phát triển đến hơn 1600 thành viên tại gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngày 1 - 2/10 tới đây, sự kiện kỷ niệm 5 năm thành lập NIC cũng sẽ được tổ chức với tên gọi Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 (Innovate Viet Nam). Sự kiện dự kiến có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, đại diện các cơ quan bộ ngành Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!