Chính phủ vừa ban hành Nghị định 138 cho phép các bộ ngành, địa phương được dùng ngân sách chi thường xuyên hàng năm để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở và mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Nghị định này đã chấm dứt cách hiểu theo hướng toàn bộ các hoạt động trên đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công tức phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm mới thực hiện được.
Theo ghi nhận, trụ sở và nhiều trang thiết bị của một Đội Quản lý thị trường đã quá cũ nhưng chưa thể sửa chữa và mua mới. Nhiều đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý thị trường cũng trong tình trạng như vậy do theo quy định cũ phải tạm dừng sử dụng ngân sách chi thường xuyên cho mua sắm trang thiết bị và sửa chữa mở rộng trụ sở. Nghị định 138 được ban hành đã tháo gỡ được các vướng mắc này.
Bà Vũ Thị Minh Ngọc - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kế hoạch tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: "Với quy định của Nghị định 138 thì hàng năm cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước xây dựng dự toán vào giữa năm trước cho dự toán năm sau thì việc này sẽ thuận lợi cho việc triển khai nhiệm vụ mua sắm, để đáp ứng nhu cầu điều kiện làm việc cho cán bộ công chức".
"Đây là một đổi mới trong cải cách thể chế. Phân cấp phân quyền và tăng tính chủ động linh hoạt cho các cấp quản lý có thẩm quyền đầu tư các hạng mục công trình thuộc phạm vi ngân sách chi thường xuyên", ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 138 cho phép các bộ ngành, địa phương được dùng ngân sách chi thường xuyên hàng năm để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở và mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Ảnh minh họa.
Đối tượng áp dụng của Nghị định gồm: các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên để mua sắm tài sản trang thiết bị và cải tạo nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng.
Nghị định sẽ xóa được tình trạng nhiều bộ, ngành và địa phương tuy có kinh phí nhưng trụ sở hỏng, hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị thiếu mà không sửa chữa và mua sắm được.
"Đối với cải tạo nâng cấp mở rộng các công trình đã có với quy mô tối đa không quá 15 tỷ. Đối với mua sắm sửa chữa cũng đã quy định rõ từng quy mô và quy định rõ thẩm quyền phê duyệt đối với từng nhiệm vụ", ông Bùi Anh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết.
Được sử dụng ngân sách chi thường xuyên cho mục tiêu sửa chữa mua sắm tài sản công sẽ giúp hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thông suốt. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc xử lý những "điểm nghẽn" là vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!