Đường sắt Việt Nam có đủ khả năng đáp ứng và tính đến cơ hội mở rộng ra các tuyến đường sắt liên vận quốc tế?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 27/02/2019 11:21 GMT+7

VTV.vn - Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra sau khi đoàn tàu chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã lựa chọn phương án di chuyển bằng đoàn tàu bọc thép để đi xuyên lãnh thổ Trung Quốc trước khi tới Việt Nam để dự Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump vào ngày 27 - 28/2. Sáng 26/2, đoàn tàu bọc thép đặc biệt của Triều Tiên chở Chủ tịch Kim Jong-un đến ga Đồng Đăng - Lạng Sơn. Ngay sau đó ông Kim Jong-un lên ô tô tiếp tục hành trình về Hà Nội. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là: Tại sao Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không đi tàu thẳng đến Hà Nội?

Đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) là tuyến duy nhất ở Việt Nam tương thích với khổ đường tàu 1.435mm của Trung Quốc, Triều Tiên. Mỗi ngày trên tuyến có một đoàn tàu liên vận quốc tế chạy đến Nam Ninh (Trung Quốc). Tuyến đường sắt này hiện đảm bảo tốc độ chạy tàu trung bình 59km/h, một số khu đoạn chỉ đạt dưới 50 km/h do nền đường yếu, cầu yếu. Trong khi đó, tốc độ trung bình của tàu Triều Tiên là 60 km/h. Nếu đi tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, tàu chở ông Kim Jong-un cần điều chỉnh tốc độ theo hạ tầng đường sắt, nghĩa là chạy dưới 50 km/h. Đoàn tàu sẽ phải mất hơn 3 giờ cho quãng đường 167km từ ga Đồng Đăng về ga Gia Lâm.

Tuy chỉ dừng lại tại Đồng Đăng nhưng chuyến tàu lịch sử của nhà lãnh đạo Triều Tiên lại đem đến một góc nhìn vốn bị dư luận lãng quên bấy lâu nay. Liệu đường sắt Việt Nam có đủ khả năng đáp ứng và tính đến cơ hội mở rộng ra các tuyến đường sắt liên vận quốc tế? Hoặc nhân cơ hội này, tuyến liên vận đường sắt quốc tế trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Kazakhstan khởi xướng tháng 10/2016, khi FTA EAEU chính thức có hiệu lực đã đi đến chặng đường nào sau gần 2 năm các bên triển khai?

Theo tác giả Ngọc Lan (Thời báo kinh tế sài gòn), về giải pháp kỹ thuật, không có trở ngại gì. Việt Nam chưa thể có đoàn tàu chuyên tuyến đến các nước châu Âu hay châu Á như Hàn Quốc, Triều Tiên vì khổ đường ray không tương xứng và tiêu chuẩn đội tàu. Nhưng nếu là các đoàn tàu liên vận hợp tác với các nước, qua Trung Quốc thì hàng hóa hoặc hành khách sẽ được phía Trung Quốc tiếp nhận, sang tàu, nối toa và đi tiếp trong nội địa Trung Quốc trước khi qua nước thứ ba. Cuối năm 2017, khi FTA liên minh kinh tế Á - Âu EAEU có hiệu lực, đường sắt Việt Nam đã chạy tàu 3 ngày trên hành trình từ Gia Lâm (Hà Nội), qua Trung Quốc đi Kazakhstan, Ba Lan và Nga. Mỗi đoàn tàu kéo từ 10 - 17 container chở hoa quả, chè sang các nước.

Kazakhstan - một quốc gia trong Liên minh EAEU - rất nhiệt tình mời Việt Nam hợp tác qua tuyến liên vận quốc tế này vì Công ty đường sắt Kazakhstan có 49% cổ phần cảng biển Liên Vân Cảng (Trung Quốc) rất muốn mở cả kênh đường sắt và đường biển để tăng cường lượng hàng xuyên Á - Âu. Vấn đề là việc đàm phán chi phí vận tải quá cảnh qua Trung Quốc, theo lãnh đạo VNR là hiện còn quá cao, dù vận chuyển bằng đường sắt qua các nước Đông Âu có thể rút ngắn thời gian giao hàng 2 tuần so với vận chuyển bằng đường biển.

Tuy nhiên, giá vận tải quá cảnh qua Trung Quốc cho một container hàng có thể cao gấp rưỡi giá container đó so với đường sắt Việt Nam vận chuyển. Do chi phí cao nên các chủ hàng đểu phải tính toán và các bên vận chuyển chưa mặn mà. Hơn nữa, thủ tục thông quan đường sắt tại các cửa khẩu Đồng Đăng hay Lào Cai còn phức tạp, chưa thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đến VNR đặt vấn đề làm vận tải nối chuyến cho đường sắt Việt Nam do nhận được các chính sách ưu đãi của Trung Quốc về giá cước.

Tuy nhiên, triển vọng về các tuyến liên vận quốc tế thường xuyên này còn trông chờ vào kết quả đàm phán về giá giữa lãnh đạo đường sắt Việt Nam và Trung Quốc tại Hội nghị Tổng Giám đốc Tổ chức Hợp tác đường sắt ở Đà Nẵng vào tháng 3 tới. Liên minh Kinh tế Á - Âu gồm 5 nước thành viên (Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia) là khu vực có quan hệ chính trị, kinh tế truyền thống đối với Việt Nam. Nếu được khơi thông, thì lợi ích kinh tế mang lại là rất lớn.

Không chỉ EAEU, như phát biểu với báo điện tử Vnexpress.net, ông Tak Hyun-min - Cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định: "Thế giới và người dân Hàn Quốc chứng kiến một sự thật đơn giản là có đường tàu nối thẳng từ Bình Nhưỡng đến Việt Nam. Điều đó khiến cho chúng ta hào hứng nghĩ về tương lai có một chuyến tàu xuất phát từ Busan đi qua Bình Nhưỡng đến khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam".

Ngày xưa từng có một con đường Tơ lụa từ Hàng Châu Trung Quốc sang đến Địa Trung Hải và châu Âu, liệu chăng đường sắt liên vận có thể trở thành một con đường tơ lụa mới mà Việt Nam là một điểm đến, điểm đi trong chuyến hành trình ấy?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước