Hiện tại, hệ thống đường sắt Việt Nam đang sử dụng 3 loại khổ đường, gồm loại đường 1.000mm, đường tiêu chuẩn 1.435mm và đường lồng (tức chung 2 khổ đường trên). Song khổ đường 1000mm chiếm đến 83%, khổ đường tiêu chuẩn 1435mm chỉ chiếm 6,8%, điều này đã làm hạn chế tốc độ và hiệu quả chạy tàu. Thực trạng khổ đường khiến quá trình gia nhập hoạt động vận tải quốc tế gặp nhiều khó khăn. Thực tế, trong 10 năm qua, thị phần vận tải hành khách lẫn hàng hóa nội địa của ngành đường sắt cũng đang giảm dần dù không phải là không có những lợi thế.
Việt Nam là nước có hệ thống đường sắt với lịch sử 130 năm. Mạng lưới đường sắt chính của Việt Nam với tổng chiều dài 2600km suốt từ Bắc vào Nam.
Để tìm hướng đi và sự thay đổi cho ngành đường sắt Việt Nam, thời gian qua bản thân đơn vị cũng đã tự chuyển mình, không ngừng tham gia các hoạt động của ngành đường sắt thế giới. Trong đó có việc gia nhập vào Tổ chức Hợp tác Đường sắt (OSJD). Qua đây, đường sắt Việt Nam không những đã đổi mới trong trang thiết bị máy móc, mà còn hoàn thiện và phát triển liên vận hành khách và hàng hóa đường sắt quốc tế, nâng cao được khả năng cạnh tranh vận tải đường sắt trên con đường xuyên Á.
Hiện nay trong hoạt động vận tải, đường sắt Việt Nam cũng phải cạnh tranh với loại hình vận chuyển khác như máy bay giá rẻ, vận tải đường biển…Song vận tải đường sắt vẫn được đánh giá là loại hình vận tải "có độ tin cậy cao nhất về an toàn, giá cước rẻ nhất và vô địch tuyệt đối về khối lượng vận tải". Với lợi thế này, cùng với nỗ lực của ngành đường sắt và sự hỗ trợ của Nhà nước, việc kết nối và mở rộng tuyến vận tải xuyên Á và liên khu vực là điều mà đường sắt Việt Nam có thể đạt đến.